Câu chuyện tình yêu giữa người với yêu ma trong “Truyền kì mạn lục” – Nguyễn Dữ
Đề tài: Câu chuyện tình yêu giữa người với yêu ma trong “Truyền kì mạn lục” – Nguyễn Dữ
Nhân vật ma quái xuất hiện khá nhiều trong các truyện truyền kì. Có thể nói không một tập truyền kì nào lại vắng bóng loại nhân vật này. Đi vào truyền kì ta có thể thấy cả một thế giới ma phong phú. Đây có thể coi là một loại nhân vật chính của thể loại. “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ là tác phẩm truyền kì đặc sắc, hấp dẫn, nhất là những truyện viết về tình yêu nam nữ đặc biệt là tình yêu giữa người với yêu ma. Có những truyện ca ngợi tình yêu lành mạnh, chung thủy sắt son, thể hiện nhu cầu tình cảm của các tầng lớp bình dân. Có những truyện yêu đương bất chính, tuy vượt ra ngoài khuôn khổ lễ giáo nhưng lại phản ánh lối sống đồi bại của nho sĩ trụy lạc, lái buôn hãnh tiến. Nguyễn Dữ cũng rất táo bạo và phóng túng khi viết về những mối tình si mê, đắm đuối, sắc dục, thể hiện sự nhượng bộ của tư tưởng nhà nho trước lối sống thị dân ngày càng phổ biến ở một số đô thị đương thời.
Trước khi đi tìm hiểu về câu chuyện tình yêu giữa người với yêu ma trong tác phẩm “Truyền kì mạn lục” (Nguyễn Dữ) thì ta cần hiểu sơ lược về khái niệm “yêu ma”. Có thể nói ngay rằng ma, quỷ hay yêu ma là những từ khá phổ biến trong ngôn ngữ của các dân tộc. Trong tác phẩm, tác giả ít dùng đúng khái niệm “nhân vật ma quái”. Loại nhân vật này xuất hiện dưới những hình thức tên gọi khác nhau như ma, hồn ma, linh hồn (Chuyện cây gạo, Chuyện yêu quái ở Xương Giang), quỷ (Chuyện tướng Dạ Xoa, Chuyện gã Trà Đồng giáng sinh), quỷ sứ (Chuyện Lý tướng quân, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên), yêu quái (Chuyện nghiệp oan của Đào thị), hồn hoa (Chuyện kì ngộ ở trại Tây, và ở đề tài này đề cập cả đến đối tượng tiên nữ (Từ Thức lấy vợ tiên). Vì vậy, để đi đến được với khái niệm nhân vật ma quái, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu một số khái niệm liên quan. Theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê viết ma: người đã chết, đã thuộc về cõi âm hay sự hiện hình của người chết, theo mê tín; quỷ: người chết hóa thành; quỷ sứ: những con quỷ vua Diêm vương thường sai khiến. Gần với ma, quỷ còn có tinh: loài yêu quái, quỷ thần; linh hồn: hồn người chết. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu hồn có hai nghĩa: phần thiêng liêng của con người và phần tinh thần của sự vật. Chữ “hồn hoa” mà Nguyễn Dữ dùng để chỉ những nhân vật do cây, hoa biến thành trong Chuyện kì ngộ ở trại Tây là dùng theo nghĩa “phần tinh thần của sự vật”. Như vậy, ma quái là sản phẩm của trí tưởng tượng của dân gian (thuyết vạn vật hữu linh, quan niệm về linh hồn, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và con người) và các tôn giáo (Nho - Phật – Đạo). Ma quái là loài quỷ sứ chốn âm phủ, là hồn người chết chưa được đầu thai mà vẫn vương vất trên trần gian hay những lực lượng tự nhiên có tính chất bí ẩn, có vẻ khó hiểu đến mức đáng sợ, thường xuyên đe dọa cuộc sống con người. Mối quan hệ tình yêu, hôn nhân giữa các chàng trai và các hồn ma, yêu, linh trong tác phẩm diễn ra một cách thoải mái, dễ dàng và đơn giản với sự hiện diện của yếu tố tính dục. Đó có thể là khát vọng giao hòa tuyệt đối giữa cá thể với vũ trụ được thể hiện qua ngôn ngữ tình yêu và ngôn ngữ tình dục. Tình yêu trong “Truyền kỳ mạn lục” là kiểu tình yêu vô điều kiện giống như những khoảnh khắc hòa nhập ngắn ngủi nhưng tuyệt đối giữa con người với cái vô cùng vô tận của vũ trụ. Trong “Truyền kì mạn lục” đa phần truyện có xuất hiện nhân vật ma quái nhưng viết về tình yêu giữa người với ma thì chỉ có 4 truyện: Chuyện cây gạo, Chuyện kì ngộ ở trại Tây, Từ Thức lấy vợ tiên, Chuyện yêu quái ở Xương Giang.
“Chuyện cây gạo” kể về mối tình giữa Trình Trung Ngộ và hồn ma nàng Nhị Khanh. Trung Ngộ vốn là con nhà giàu rất đẹp trai, Nhị Khanh xinh đẹp, có tài đàn ca, hay chữ, làm thơ rất hay, nhân một lần đi buôn Trung Ngộ gặp Nhị Khanh và họ cảm mến nhau từ cái nhìn đầu tiên rồi cùng nhau ái ân hết sức thỏa mãn “Phượng loan sớm kết nên đôi lứa,/ Gió sớm giăng khuya thỏa cợt cười.”. Ngòi bút Nguyễn Dữ hết sức phóng túng khi kể, tả những khát vọng yêu đương về tinh thần lẫn dục vọng thể xác của con người. Một tháng sau Trung Ngộ biết được Nhị Khanh và con hầu đi theo chỉ là ma và hồn đồ vật chôn theo hóa thành, mặc cho mọi người ngăn cản, đi theo tiếng gọi của Nhị Khanh, nói: “Chỗ vợ ta ở có lâu đài lộng lẫy, có hương hoa ngạt ngào, ta phải đi theo chứ không thể luẩn quẩn trong chốn bụi hồng này được; can dự gì đến các người mà dám đem dây trói buộc ta thế này”. Dù cho mới chỉ một tháng ân ái, chưa dựng vợ gả chồng nhưng “một ngày ân ái nên nghĩa vợ chồng”, Trung Ngộ đã coi Nhị Khanh là vợ mình và chết theo. Nhị Khanh chết khi tuổi mới đôi mươi, tình yêu và nhục dục chưa thỏa mãn, nàng bị chồng ruồng bỏ cho nên hồn ma nàng không siêu thoát, vẫn quyến luyến cõi trần, ước ao được yêu, được hưởng thú hoan lạc đôi lứa. Nàng đáng trách nhưng cũng vô cùng đáng thương. Vẫn là chuyện về tình yêu giữa con người với hồn ma, “Chuyện yêu quái ở Xương Giang” là câu chuyện giữa viên quan họ Hoàng với hồn ma Thị Nghi. Thị Nghi là một cô gái nhà nghèo, bị mẹ bán cho phú thương họ Phạm, lớn lên xinh đẹp bị vợ phú thương kia đánh ghen, đập chết chôn cạnh làng. Hồn ma nàng gặp gỡ với viên quan họ Hoàng đi thuyền lên kinh nhậm chức quan ngang qua. Thị Nghi mới 16,17 nhan sắc đẹp đẽ đang tuổi trăng rằm, lại khóc lóc yểu điệu đáng thương bên bãi cỏ, họ Hoàng không thể cầm lòng, giúp nàng thu thập xương cốt, chôn cất tử tế, đưa nàng về kinh rồi kết thành vợ chồng. Thị Nghi “cử động rất hợp lễ, nói năng biết lựa lời, họ hàng bè bạn ai cũng đều khen ngợi”, đôi bên tình ý nồng đượm. Nhưng xưa nay người và ma không thể chung sống với nhau, theo quan niệm dân gian thì con người sẽ bị hồn ma hút cạn dương khí rồi héo mòn mà chết, quả thực, họ Hoàng chỉ sau một tháng đã phát điên. Nếu nàng không phải con nhà nghèo hoặc không bị gã họ Phạm thấy nàng xinh đẹp mà đòi tư thông, không sống trong xã hội coi mạng người rẻ rúng thì có lẽ nàng đã lấy được họ Hoàng làm một người vợ hiền, mọi người yêu mến. Qua những từ ngữ miêu tả hành động của nàng, ta dễ dàng nhận thấy Thị Nghi là con người biết lễ nghĩa, khi biến thành ma quấy nhiều thì cũng chỉ hại những kẻ có tiền có quyền “người có vai vế thì bị dâm sát, người có tiền của thì bị bóc lột”. Chết ở tuổi còn rất trẻ, lại đang độ nhan sắc nở rộ, có lẽ nàng chết mà lòng nhiều oán hận với kẻ cường quyền, kẻ có tiền khiến nàng oan ức. Khát vọng sống, khát vọng được yêu thương, làm vợ hiền dâu thảo của nàng đã được Nguyễn Dữ đề cập đến.
Đến “Chuyện kì ngộ ở Trại Tây”, đây là mối tình giữa chàng thư sinh Hà Nhân với hồn hoa Đào, Liễu. Hà Nhân lên kinh đô để học, hàng ngày thường đi qua dinh tư đổ nát tên Trại Tây và tại đây chàng gặp hai cô gái đẹp tựa thiên tiên tự xưng là Liễu Nhu Nương và Đào Hồng Nương và bị họ quyến rũ. Hà Nhân cùng hai cô gái chung chăn gối quên cả học hành, từ chối cả chuyện lấy vợ do cha mẹ sắp đặt. Chừng được một năm, hai nàng nước mắt tiễn biệt, chàng đến Trại Tây tìm chỉ còn thấy đào, liễu tả tơi, hỏi ra mới biết các nàng là tinh hoa hoá thành. Câu chuyện này có motif rất giống một số chuyện trong “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh (Trung Quốc), đó là một chàng thư sinh nho nhã bỗng gặp, được các cô gái xinh đẹp yêu mến, rồi cùng chung chăn gối. Có lẽ đó chính là ước mơ, khát vọng về tình yêu xứng đôi giữa tài tử, giai nhân, khát vọng về tình yêu tự do, phóng khoáng, tự định đoạt giữa đôi bên, không có ngăn cấm của gia đình và hủ tục “môn đăng hộ đối”.
“Từ Thức lấy vợ tiên” lại là câu chuyện tình yêu đẹp giữa Từ Thức với một nàng tiên. Đây là câu chuyện đa chủ đề, phản ánh quan niệm về hạnh phúc con người trần tục nhưng cũng đề cập đến hạnh phúc của tiên nữ Giáng Hương với nỗi buồn thương, ngậm ngùi khi phải giã từ chồng, giã từ hạnh phúc. Tình yêu của nàng không khác gì tình yêu, hạnh phúc của người trần thề. Khoảnh khắc hạnh phúc khi sống cùng Từ Thức khiến nàng thay đổi, trở nên hồng hào, tươi tắn. Khi khoảnh khắc ấy qua đi, nàng còn lại nỗi buồn đau, nhớ thương vô vọng về một con người, một niềm hạnh phúc đã qua đi. Nàng có khác chi con người trần thế, cũng có nỗi buồn đau của con người, cũng có khát khao, trái tim của người phụ nữ trần thế.
Trên đây đều là những mối tính trái với đạo đức, phép tắc Nho gia. Ngòi bút Nguyễn Dữ viết một cách “bay bướm”, “hả hê”, “uyển chuyển”, để nhân vật bộc lộ một cách say sưa. Vì ông là con người của Nho giáo nên không thể ca ngợi, chấp nhận hoặc cho phép tình yêu lãng mạn, tình dục phóng túng, luyến ái phóng khoáng tồn tại như là vốn có trong thực tế. Nhà văn phải cho nó tồn tại ở một thế giới khác và đó là thế giới của những yêu ma không có thực. Đó cũng là nguyên nhân những nhân vật sống không theo nguyên tắc lễ giáo phong kiến thì chỉ có thể là người đã chết biến thành ma, tinh cây mà thành. Qua những câu chuyện tình yêu giữa người với yêu ma đó, tác phẩm thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc: phản ánh số phận con người qua số phận người phụ nữ cho dù đó là yêu, ma, hồn. Đề cao những khát vọng chân chính của người phụ nữ - khát vọng sống, khát vọng tình yêu đôi lứa, Nguyễn Dữ cũng đồng cảm với những khát vọng ân ái của con người. Truyền kỳ mạn lục có nhiều trang văn say sưa miêu tả những khoái lạc trần thế của con người. Từ Thức treo ấn từ quan say đắm trong mối tình với tiên nữ. Nho sinh Hà Nhân và hai nàng Đào, Liễu đắm chìm trong hoan lạc: “Tựa ngọc kề vàng, gối vừa xô đã khoát sóng hoa đào nghiêng ngả”. Trong Truyền kỳ mạn lục, những khát vọng giải phóng bản năng phần nhiều do người phụ nữ chủ động khêu gợi. Trong Cuộc kỳ ngộ ở trại Tây, các nàng Đào, Liễu đã nói với Hàn Nhân: “Nay gặp tiết xuân tươi đẹp, chúng em muốn làm những bông hoa hướng dương để khỏi hoài phí mất xuân quang”. Còn Nhị Khanh trong Chuyện Cây gạo bày tỏ ước vọng với Trình Trung Ngộ: “Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui, kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa”. Những người phụ nữ này chọn cách kiếm tìm và tận hưởng tình yêu, hạnh phúc trần gian, kiếm tìm hạnh phúc với người trần thế sau khi mình đã thuộc về cõi khác. Họ là ma, là tiên, nhập vào đời sống trần gian để tìm bạn tình, tìm người tri âm, hưởng hạnh phúc, khoái lạc. Nhưng rồi tình yêu và hạnh phúc với họ cũng thật ngắn ngủi, niềm khát khao rất "người " của họ sớm bị dập tắt, và họ đều phải nhận những kết cục bi thảm: Nhị Khanh cùng Trình Ngộ bị đạo sĩ làm phép, lính đầu trâu trói gông đưa về âm phủ; Hai nàng Đào, Liễu bị cơn giông bão dập nát không còn hiện hồn được nữa; Từ Thức và Giáng Hương chia cách không còn gặp nhau nữa; Thị Nghi bị Diêm Vương tống giam, nhục hình đao kéo.
Về mặt nghệ thuật, tác giả “Truyền kỳ mạn lục” không chỉ sao chép một cách rộng rãi những chuyện lạ lùng lưu truyền ở đời mà còn có hư cấu, sáng tạo. Nhà văn có nhiều sáng tạo trong cách tổ chức kết cấu, xây dựng nhân vật và ngôn từ nghệ thuật. Mặc dù cách xây dựng nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục vẫn theo bút pháp truyền thống: chia nhân vật thành hai loại thiện và ác nhưng tác phẩm đã đạt được hai thành công lớn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhân vật có tính cách riêng. Nhiều nhân vật trong “Truyền kỳ mạn lục” đã có diện mạo, tính cách và cuộc sống riêng. Chẳng hạn, tính cách của Nhị Khanh trong truyện “Chuyện cây gạo”, khi bị chồng ruồng bỏ, chết đi nàng vẫn không chịu siêu thoát mà đi tìm ý trung nhân cho thỏa mãn khát vọng tình yêu, dục vọng của mình mà khi còn sống nàng không được tận hưởng đầy đủ. Nàng táo bạo, chủ động mời gọi tình lang hoan ái, khi Trung Ngộ được những phu thuyền trói lại, nàng mời gọi, tha thiết, ỉ ôi, khi Trung Ngộ thành ma lại tiếp tục hoan ái, làm trò ma quỷ dọa người. Nhân vật có bóng dáng “con người cảm nghĩ” bên cạnh “con người hành động”. Khi diễn tả tâm trạng nhân vật, tác giả thường dùng thơ để ngụ tình. Qua thơ ca, các nhân vật bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ thầm kín trong lòng. Cũng có khi, nhà văn trực tiếp miêu tả “con ngươi cảm nghĩ”. Chẳng hạn, đoạn văn trực tiếp miêu tả nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của Từ Thức: “Từ khi bỏ nhà đi thấm thoát đã được một năm, ao sen đã đổi thay mầu biếc. Những đêm gió thổi, những sáng sương sa, bóng trăng sáng dòm qua cửa sổ, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng, quấy nhiễu khiến không sao ngủ được”. Tác phẩm kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tài tình những phương thức tự sự, trữ tình, giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi, văn biền ngẫu và thơ ca. Lời văn cô đọng, súc tích, chặt chẽ, hài hòa và sinh động.
Những câu chuyện tình yêu giữa người với ma không phải là nhiều nhưng lại là những truyện hết sức đặc sắc của “Truyền kì mạn lục”, yếu tố “ảo” xuất hiện dày đặc hơn làm cho người đọc cuốn hút, tò mò. Ngòi bút Nguyễn Dữ cũng phóng khoáng hơn khi đề cập đến tình yêu đôi lứa, khát vọng tình yêu, nhục dục, những đòi hỏi bản năng của con người và qua đó ông đề cao quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Tuy nhiên, với cương vị là một nhà Nho, Nguyễn Dữ vẫn chưa thoát khỏi hẳn sự ràng buộc của đạo lí Nho giáo, viết về tình yêu trai gái đầy say mê nhưng tất cả lại đi đến một kết cục bi thảm. Và, dưới mỗi câu chuyện, tác giả lại để lại một lời bình không hề hợp xứng với nét phóng khoáng đầy say mê trong truyện. Ví như lời bình cuối “Chuyện cây gạo”: “Than ôi cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo cho người thiên hạ, nhưng kẻ thất phu đa dục thì thường khi mắc phải”. Hay dưới truyện “Chuyện kì ngộ ở Trại Tây”: “Than ôi, thanh lòng không bằng ít dục, dục nếu yên lặng thì lòng rỗng mà điều thiện sẽ vào, khí bằng phẳng mà cái lý sẽ thắng, tà quỷ còn đến quấy nhiễu làm sao được. Chàng họ Hà lòng trẻ có nhiều vật dục, cho nên loài kia mới thừa cơ quyến rũ”.
Truyền kì mạn lục và những câu chuyện tình yêu giữa người với yêu ma vẫn mãi là câu chuyện tình yêu đẹp đẽ, nồng nàn, hết mình của đôi lứa một thời. Nó là biểu trưng cho khát khao tự do yêu đương, tự do luyến ái của con người, đặt trong hoàn cảnh tác phẩm ra đời, ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc của nó.
Xem thêm: Diendankienthuc.net
Xem thêm: Diendankienthuc.net
Nhận xét
Đăng nhận xét