Cách ôn thi cấp tốc 1-2 tháng trước thi cho khối C

Cách ôn thi cấp tốc 1-2 tháng trước thi cho khối C

Khối C bao gồm 3 môn “toàn chữ” đó là Văn, Sử, Địa. Thường với những bạn đã xác định đi theo khối C là những bạn có trí nhớ tốt, có khả năng viết lách, hoặc vì mục tiêu lâu dài là thích làm nghề gì đó, mà làm nghề này thì phải học ngành này, trường này mà ngành ấy phải thi khối C nên cho dù không thực sự thích khối C nhưng vì mục tiêu lâu dài nên “phải” học. Cũng có một phần các bạn chọn theo khối C vì các môn như Toán, Văn, Anh, Lý….rất khó “nhằn”, khả năng để thi đỗ đại học không cao bằng. Vậy nên có thể nói khối C chính là lựa chọn “hoàn hảo” cho những ai đang đọc bài này.

Có rất nhiều cách học tốt để cho các bạn tham khảo, thế nhưng mỗi người lại tự có cách học riêng mà những “cách” trên không áp dụng vào bạn được.  Bạn đã thử làm theo chỉ dẫn mà không hiệu quả. Trong bài viết này, tôi sẽ xin chỉ một vài mẹo nhỏ (từ chính bản thân tôi- một người có trí nhớ kém) cho những ngày gần sát đến ngày thi bỗng cảm thấy lo lắng, mông lung không biết ôn gì trong đống kiến thức khổng lồ “chữ nghĩa” ấy.

1. Với những bạn học lớp 11, hoặc đầu lớp 12, đang có ý định chọn khối C để thi.

Các bạn yên tâm đi, không quá khó học, không phải nhớ nhiều như bạn tưởng, và là một sự lựa chọn “an toàn” nhất trong tất cả các khối thi.

Các bạn hãy chú tâm học ngay từ đầu năm lơp 12, khi học trên lớp bạn ghi chép các ý mà thầy cô tóm tắt lại cho ghi một cách cẩn thận. Thầy cô thường cho chép ý chính và cô đọng, đầy đủ nhất, các bạn cứ học theo nó, không cần phải học thuộc tất cả. Sau đó, lúc học ôn khối (tức học nâng cao, kĩ lưỡng hơn, học đến bài nào, bạn tìm những đề có câu lien quan đến bài học đó, chép riêng lại, với bài học này, các năm trước có thường hay thi vào không, nếu thi vào thì nó thường ra câu hỏi dạng như thế nào? Bao nhiêu điểm), rồi lúc rảnh bắt đầu thử làm, tự cho mình được tham khảo, sao chép các nguồn, vì mỗi lần bạn viết, tình cờ kiến thức đã ngấm phần nào vào đầu, và làm như vậy, bạn cảm thấy không phải học thuộc nhiều nhưng hiểu vấn đề rất kĩ lưỡng. Lưu giữ những gì bạn viết thật kĩ và thỉnh thoảng bỏ ra đọc lại.

2. Ở thời điểm còn 1-2 tháng nữa là thi, phải làm gì?

- Với những bạn có khả năng nhớ tốt, chăm chỉ và đã từng làm như mục 1, tức đã có gốc khá vững, hoặc ít nhất, chỉ cần học qua lại 1 lượt là bạn có thể nhớ lại đa số kiến thức thì ở thời điểm gần thi, đừng đọc nữa mà hãy bắt tay vào làm thử đề (cất sách vở đi) . Làm được bao nhiêu thì làm, những câu làm được thì so sánh xem đã đúng tương đối chưa, còn ý nào thiếu sót không và ghi nhớ nó, mai phải làm lại đề đó. Còn câu nào chưa làm được, lập tức bổ sung kiến thức. Nếu cứ hoang mang giữa đống kiến thức thì bạn không biết là bạn đang hở/ hổng ở đâu đâu, vì cái nào cũng cảm giác mình nhớ và có thể làm được, nhưng áp lực tại phòng thi có thể khiến bạn quên bẵng. Vậy nên tự tạo cho mình áp lực thành quen trước khi thi.

- Với những bạn học hoài không nhớ, ba môn thi mà môn nào cũng lơ mơ, học môn này lại sợ môn kia không học điểm lại kém. Còn 1-2 tháng, càng rơi vào trạng thái đó các bạn sẽ càng lo lắng càng học không vào đâu. Và với những bạn ở tình trạng này thường thì học ở mức trung bình – khá, trí nhớ dở , trường thi có điểm cũng không quá cao, quá khó với ^^ (đừng phiền muộn nếu mình nói thẳng nhé). Trường hợp này, các bạn hãy xem xem bản thân các bạn học tốt môn nào nhất, dở môn nào nhất. Với môn học tốt nhất, các bạn 1 ngày dành ra khoảng 30p – 1h để đọc lại/ làm đề hoặc tùy ý, cũng có thể bỏ sách ra đọc lúc đang chán ôn 2 môn kia – nhưng nên nhớ CHỈ ĐƯỢC ĐỌC SÁCH GIÁO KHOA chính thống thôi nhé, đừng đọc tài liệu tham khảo hoặc các sách khác, nó sẽ làm nhiễu loạn trí nhớ của bạn, kiến thức của bạn đấy. Môn nào bạn học tốt thứ 2/ 3 môn thì tập trung ôn môn đó, học thuộc một số mục chưa nhớ kĩ cho thật lưu loát, làm đề và tự chữa đề, tuyệt đối không có kiểu vừa tự làm đề vừa xem hướng dẫn giải nhé, phải tự ép bản thân nhớ lại và viết. Môn thứ 3, môn học kém nhất, nói thực là đã học kém rồi mà cả năm tích cực học cũng không khá lên được thì 1-2 tháng ôn chả có tác dụng vớt vát nó lên được mấy đâu. Nên là các bạn cũng dành thời gian ít thôi, đọc qua mấy bộ đề có hướng dẫn giải, xem với câu hỏi này thì trả lời như thế nào, biết đâu lại trúng tủ hoặc vào câu na ná như vậy.

Mình lấy ví dụ: mình học rất tốt môn Địa (vì môn này có các kiểu bài khá giống nhau, cách làm khá giống nhau như phân tích sự tăng giảm cơ cấu ngành nghề, phân tích độ giảm diện tích rừng, phân tích …chỉ là ở số liệu và sự hiểu biết vùng/miền là làm được hết; biểu đồ cũng chỉ có mấy dạng tròn/vuông/chữ nhật…) thế nên tự tin vào đề nào cũng có thể kiếm khá khá điểm rồi; môn Lịch sử mình học cũng bình thường, trí nhớ không được tốt, nên trong 1 tháng ngày nào mình cũng ôm sách giáo khoa học thuộc từ trang này sang trang khác, học đau đầu quá rồi thì bỏ ra làm đề. Đến môn Văn, học dốt luôn, viết lách lúc nào cũng chỉ được 4-5 điểm  huống gì là thi đại học còn khó hơn, nên là thỉnh thoảng mở video nghe các thầy cô bình văn thơ cho sướng tai, được ít nào hay ít nấy, rồi đọc tác phẩm để nhớ dẫn chứng , không cần nhớ đến mức mở ngoặc kép nhưng ý tứ đại khái không bị nhầm sang tác phẩm khác là tốt rồi.
Rồi cuối cùng, điểm thi cũng xếp theo thứ tự: Địa 9 – Sử 8 - Văn 4,5. Tuy không quá cao nhưng cũng không thấp lắm, đủ để đỗ đại học mình mong muốn. Đây là kiểu học hi sinh cái này để củng cố cái kia, và lấy 2 vớt 1.

Nhiều bạn có thể không đồng tình  hoặc không dám mạo hiểm làm theo,nhưng nhìn vào tình hình để điều chình cách học nhé.Nhiều bạn thì liên tục hỏi “Gần thi rồi, học bây giờ còn kịp không?” Quá kịp với kiểu học này nhé.  

-Phong Cầm-

(Mọi sao chép đem tài liệu đi nơi khác hãy ghi rõ tên tác giả, tên nguồn. Cám ơn)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Câu chuyện tình yêu giữa người với yêu ma trong “Truyền kì mạn lục” – Nguyễn Dữ

Phân tích nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn “Tướng về hưu” – Nguyễn Huy Thiệp

Trình bày suy nghĩ của em về câu: “Có ba thứ ngu dốt: không biết điều phải biết, biết bậy điều đáng biết, và biết điều không nên biết”.