Bản tính của người Việt?

"Ngày xưa khi các giáo sĩ Phương Tây đến xứ Đàng Trong đã nhận xét bản tính của người Việt" họ có bản tính quảng đại". Ngày nay khi người Việt đi ra nước ngoài (làm việc hoặc du lịch) lại có hiện tượng "xấu xí trong mắt ng nước ngoài”.

Anh, chị hãy trình bày suy nghĩ riêng của mình về 2 nhận xét.


Dàn ý:
2 nhận xét trên cũng chính là 2 nhận định về đặc tính của người Việt Nam tốt và xấu.
-         Đặc tính tốt của người Việt Nam: có bản tính quảng đại. Bản tính quảng đại biểu hiện ntn? Thương người, đùm bọc nhau, kết thành làn sóng rất mạnh mẽ mỗi khi có giặc ngoại xâm, thân thiện kể cả với những người xa lạ ở đất nc khác tới....

-         Đặc tính xấu: trong mắt người nc ngoài, người VN ngày càng trở nên xấu xí. Biểu hiện: sinh viên đi du học, người đi du lịch hoặc định cư ở nước ngoài thường mắc những tệ nạn như trộm cắp vặt, lãng phí, giờ cao su, quanh co ko thật thà...mà lâu nay báo chí đã nói đến ko ít các trường hợp.

Vậy người VN thực sự có bản tính như thế nào?Họ có nhiều điểm tốt song cũng ko ít biểu hiện của tính xấu. Không phải ai cũng mắc những tật xấu này, song, tiếng xấu đồn xa. Làm thế nào để giải trừ đi những biểu hiện xấu, phát huy bản chất đẹp đẽ, thay đổi điểm nhìn của người nước ngoài về con người VN? Cũng là 1 người VN, tôi không mong muốn dân tộc mình bị nhìn nhận xấu xí, thậm chí bị coi thường. => Đưa ra giải pháp.

___
Bài làm:

Nhắc đến bản tính dân tộc, người ta hay nói người Nhật Bản chăm chỉ, cần cù, người phương Tây ham học hỏi, đúng giờ... Vậy bản tính của người Việt như thế nào. Có ý kiến cho rằng: “"Ngày xưa khi các giáo sĩ Phương Tây đến xứ Đàng Trong đã nhận xét bản tính của người Việt" họ có bản tính quảng đại". Ngày nay khi người Việt đi ra nước ngoài (làm việc hoặc du lịch) lại có hiện tượng "xấu xí trong mắt ng nước ngoài”.”
Hai ý kiến trên là 2 ý kiến trái chiều về bản tính người Việt Nam: tốt và xấu. Người Việt mang trong mình cả 2 đặc tính: vừa tốt vừa xấu ấy.

Thứ nhất, “người Việt Nam có tính quảng đại”. Giáo sĩ Cristophoro Borri (1583 - 1632) trong khảo cứu viết dưới dạng hồi ký - du ký về xứ Đàng Trong đã hết lời ca ngợi tính quảng đại của người Việt. Người Việt Nam tự coi là “một nết rất xấu” nếu ai đó ăn món gì mà không chia sẻ hay bẻ cho mỗi người một miếng. “Họ có tính quảng đại, hay bố thí cho người nghèo, họ có thói quen không bao giờ từ chối, không cho kẻ xin bố thí. Họ nghĩ là sẽ không làm đủ bổn phận nếu từ chối” (C.Borri viết trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621). Ông thuật lại, có mấy người ngoại quốc bị đắm tàu được cứu tại Đàng Trong, chỉ cần học một chữ “đói” là cũng đủ cho họ xin thức ăn để sống. Người dân bản xứ dễ động lòng thương, nên chỉ trong thời gian ngắn người gặp nạn đã nhận được rất nhiều thức ăn dự trữ. Kể cả khi đã được chúa Nguyễn cấp cho chiếc tàu để trở về quê quán, những người ngoại quốc ấy chẳng ai muốn đi vì quyến luyến một lãnh thổ “ở đó họ gặp những người rộng rãi”.  Ngày nay, tính quảng đại của người Việt Nam, ta cũng rất dễ dàng bắt gặp những biểu hiện của nó trong đời sống cộng đồng. Người Việt Nam rất hiếu khách, sẵn sàng tiếp đón, niềm nở với người xa lạ, không ngại gì đãi khách vài bữa ăn, kể cả bản thân gia đình không khá giả gì cũng sẽ không để khách chịu đói. Những chương trình từ thiện xuyên quốc gia hướng về đồng bào vùng lũ lụt, tai ương, đồng bảo ở đảo xa, vùng núi khó khăn rất dễ dàng nhận được sự ủng hộ lớn. Người Việt Nam rất nhanh chóng kết thành một khối “lá lành đùm lá rách”. Thỉnh thoảng, bắt gặp đâu đó trên mạng xã hội có một bạn trẻ nào đó đứng ra kêu gọi giúp đỡ, ủng hộ người gặp khó khăn, nhìn những dòng “comment” ủng hộ nhiệt tình bên dưới, bỗng làm cho chúng ta ấm lòng. Bản tính quảng đại có thể hiểu là lòng lương thiện, hiếu khách, rộng rãi, là tính đoàn kết mỗi khi có giặc xâm lăng, sẵn sàng tha thứ với kẻ địch, mà từ trong lịch sử có thể nhận ra. Bên cạnh tính quảng đại thì người Việt còn có rất nhiều bản tính cao quý khác như giản tiện( tiết kiệm), có chí tiến thủ, ham học hỏi, cần cù, sáng tạo, kiên cường...  Tính cách đẹp đẽ của người Việt Nam sẽ vẫn luôn được lưu truyền đến nay mà mai sau.

Thứ hai, thói xấu của người Việt Nam. Công trình nghiên cứu “Người Việt: Thói  hư&tật xấu” (Vương Trí Nhàn tổng hợp đã nói lên rất nhiều thói xấu của người Việt Nam mắc phải. Sinh viên đi du học, người đi du lịch hoặc định cư ở nước ngoài thường hay trộm cắp vặt, lãng phí, giờ cao su, quanh co không thật thà...mà lâu nay báo chí đã nói đến ko ít các trường hợp. Một du học sinh đang học tập tại Melbourne (Australia) đã tâm sự: “Khi ra nước ngoài mới thấy hết được những hạn chế của người Việt. Từ những chuyện lớn như thiếu tính cộng đồng, nhiều người giỏi nhưng tập thể thì lại không mạnh, học gạo mà ít chịu thực hành, không ai chịu ai, rụt rè, thiếu tự tin… cho đến những thói quen không tốt như nhai cơm không ngậm miệng…Nhiều người coi đó là chuyện nhỏ, nhưng không biết rằng chính những điều đó sẽ khiến người nước ngoài nhìn chúng ta bằng con mắt thiếu thiện cảm”.   Phan Bội Châu trong Chương thứ năm trong Việt Nam quốc sử khảo mang tên Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí của nước ta đã nhận xét về nhược điểm của người Việt:  “(…)Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm. Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những việc vô ích xa hoa rồi” .   Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu trong cuốn Ðất Lề Quê Thói (Phong Tục Việt Nam) cũng nhận xét rằng: "Người mình phần đông thường ranh vặt, quỷ quyệt, bộ tịch lễ phép mà hay khinh khi nhạo báng. Tâm địa nông nổi, khoác lác, hiếu danh...".   Thi sĩ Tản Đà trong bài thơ Mậu Thìn xuân cảm viết năm 1932 đã nhận xét về xã hội Việt Nam:

“Dân hai nhăm triệu ai người lớn ?
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.

Khi người nước ngoài nhìn vào những biểu hiện của người Việt Nam ở chính quê hương VN hay những người VN ở nước ngoài thì con người VN trở nên “đặc biệt xấu xí”. Khi nghe những đánh giá của người VN về chính con người VN cũng cảm thấy đớn đau thay. Phải chăng những nhận xét đó là quá khắc nghiệt?

Theo tôi, người Việt bao hàm trong mình cả cái tốt và cái xấu như đã kể trên. Nhưng không phải ai cũng mắc những tật xấu này, song, tiếng xấu dễ đồn xa, dễ để lại ấn tượng xấu xí. Làm thế nào để giải trừ đi những biểu hiện xấu, phát huy bản chất đẹp đẽ, thay đổi điểm nhìn của người nước ngoài về con người VN? Cũng là 1 người VN, tôi không mong muốn dân tộc mình bị nhìn nhận xấu xí, thậm chí bị coi thường. Không mong khi sang Thái Lan, Singapo, Nhật Bản lại nhìn thấy Tiếng Việt trong bảng chú ý trong các cửa hàng về trộm đồ, lãng phí thức ăn...Người Việt Nam học tập, tiếp thu rất nhanh, tầm nhìn còn sau lũy tre làng, do vậy cần mở mang đầu óc, kiến thức. Thay đổi dần những tính xấu mà xưa nay do sống trong chính quê hương mình đã không biết rằng điều đó là xấu. Chỉ cần nhận ra được điểm xấu của mình, tôi tin người Việt Nam trong thời gian không xa sẽ phát huy được bản chất tốt đẹp, xóa bỏ ấn tượng không tốt lâu nay trong mắt người nước ngoài. Để làm điều ấy cần nâng cao giáo dục và mở rộng giao lưu học sinh, sinh viên với nước ngoài, chính bản thân mỗi người cũng nên tự tìm hiểu để biết mình đang yếu, thiếu ở đâu...Dù bị kì thị ở nước ngoài thì mỗi cá nhân càng phải nỗ lực hơn nữa để lấy lại lòng tin trong mắt các bạn nước ngoài. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với dân tộc, chứ không phải là thái độ xấu hổ, phủ nhận quốc tịch.

Cho dù còn nhiều nhược điểm, nhưng nếu ai hỏi tôi: Người Việt Nam tốt hay xấu? Tôi sẽ cười và khẳng định rằng: Bản chất người Việt Nam rất tốt, một ngày không xa, các bạn sẽ thấy được điều đó. Tôi vẫn tự hào mình là một người Việt Nam.   

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Câu chuyện tình yêu giữa người với yêu ma trong “Truyền kì mạn lục” – Nguyễn Dữ

Phân tích nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn “Tướng về hưu” – Nguyễn Huy Thiệp

Trình bày suy nghĩ của em về câu: “Có ba thứ ngu dốt: không biết điều phải biết, biết bậy điều đáng biết, và biết điều không nên biết”.