Giá trị của “Tiên tướng công niên phả lục” – Trần Tiến


Giá trị của “Tiên tướng công niên phả lục” – Trần Tiến

Trần Tiến quê ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông sinh năm Kỉ Sửu ( 1709), tên chữ là Hậu Phủ, tên hiệu là Cát Xuyên, Khiêm Đường. Ông là con Diệu Quận công Trần Cảnh. Ông đỗ tiến sĩ năm Mậu Thìn (1748), làm nhiều chức quan, là nhà sử học và nhà văn nổi tiếng thời Lê, tác giả các bộ sách: Đăng khoa lục sưu giảng ( sử) Cát Xuyên thi tập ( thơ) Cát Xuyên tiệp bút ( kí) Niên phả lục ( kí) Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ( kí)…

Niên phả lục (1764) là tập kí nổi bật trong các tác phẩm của Trần Tiến. PGS – TS Nguyễn Đăng Na đánh giá: đây là “ bộ sách có giá trị lớn, nó đánh dấu một mốc quan trọng trên con đường phát triển văn xuôi tự sự Việt Nam, đặc biệt về thể kí …” Với thành tựu quan trọng đó, Trần Tiến đã “mở ra cho mình một lối viết riêng, không giống bất cứ một ai trước đó, đồng thời đặt nền móng cho những người đi sau noi theo, như Lê Hữu Trác, Phạm Đình Hổ…” ( Lời giới thiệu Niên phả lục, Nxb Văn học, 2003).

Niên phả lục gồm 2 tập kí riêng biệt. Tập đầu là Tiên tướng công niên phả lục, viết về cha mình, Tham tụng - Thượng thư Trần Cảnh. Đây là tập kí có rất nhiều ý nghĩa:

Về mặt hình thức: niên phả - chép theo năm tháng, chịu ảnh hưởng của sử biên niên nên nhiều chỗ hấp dẫn, nhưng nhiều chỗ không có nhiều sự kiện. Viết bằng phương thức tự sự kết hợp với trữ tình, văn biền ngẫu đăng đối nên tính chất thẩm mĩ, nhạc điệu rất hay.

Về mặt nội dung: Tiên tướng công niên phả lục thể hiện thái độ của người con đối với người cha có tài đức nhưng lận đận trên con đường quan lộ không hợp thời. Tấm lòng thương xót của người con.

Tác phẩm cũng dựng lên chân dung một kẻ sĩ thời tao loạn, một nhân cách sáng ngời có tấm lòng nhân ái, bao dung, một vị quan tài ba, thao lược, văn võ song toàn.

Tác phẩm giống như một tiếng thở dài của Trần Tiến trước cuộc đời cha mình, của một hậu thế trước tiên nhân: mẫn cán, chức cao song lương bạc, suốt đời nghèo khó, vua không hề biết đến. Trần Cảnh hiện lên lầm lũi cô đơn, vua tăm tối, đồng liêu thì ghen ghét, khi loạn lạc mới nghĩ đến, khi tính công thì không nhắc tới. Ông là con người đầy ý chí tự lực: mồ côi từ nhỏ, tự học thành tài, không người nâng đỡ, khó khăn vất vả không hề ca thán.

Tiên tướng công niên phả lục cũng thể hiện quan niệm sống của người xưa làm gương cho hậu thế. Thông qua tác phẩm cũng thể hiện được hiện thực của một thời tao loạn thời vua Lê Trung Hưng, các cuộc khởi nghĩa nông dân liên tục xảy ra. Đọc tập kí ta thấy ông có những tư tưởng và cách hành xử, rất đáng để cho chúng ta ngày hôm nay suy ngẫm.

Về nhận thức tư tưởng

Một là, về nông dân khởi nghĩa, Ông cho rằng, dân bị ức hiếp và cướp bóc vô cùng nặng nề, chế độ đối xử của chính quyền thì hà khắc, tàn bạo, cho nên, dân chỉ còn một con đường là “nổi loạn” mà thôi.

Hai là, về các tướng của triều đình, đều là lũ cướp ngang ngược: “Quan quân không có ai không phạm luật. Tướng thì không nghe lời vua. Về danh nghĩa là đi đánh giặc, nhưng thực chất là đi cướp của dân.

Ba là, về vua, nhà vua thường tráo trở, lòng dạ “thật khó lường. Chỉ trong một khoảnh khắc mà còn thay đổi như vậy, huống chi là lâu dài”

Bốn là, về các quan, họ đều là bọn biển lận, bất tài, toàn bộ lo toan chỉ là làm sao vơ vét cho nhiều tiền bạc của dân để cờ bạc rượu chè trai gái. không một ai có ý kiến riêng, chỉ “đưa đón theo ý của chỉ dụ (ý của nhà vua), không chịu tra xét”, “cùng đảng thì vào hùa, khác phe thì hãm hại. Người có tài thì lại phỉ báng, mạt sát nhao nhao” ...

Về cách hành xử

Một là, khoan dung. Ông xin vua: chủ tướng “giặc” thì giết, phó tướng chỉ chặt 1 chân hoặc 1 tay, rồi tha, để họ không có khả năng “làm loạn” lần thứ 2, còn lại thì tha bổng hết.

Hai là, kiên quyết xử kẻ tham nhũng và cố giữ mình thanh liêm. Ông ko nhận đồ hối lộ, thường dặn con cháu là phải tiết kiệm “ăn mặc đều như những kẻ tá điền và chớ bao giờ cho vay lấy lãi”.

Ba là, cố làm lợi cho dân. ông “ức chế kẻ cường quyền, tước ruộng của kẻ mạnh chia cho người yếu”, “cho nên những kẻ cùng đinh được thân oan đội ơn, còn bọn cường hào quyền quý thì phần nhiều không bằng lòng”.

Bốn là, luôn xin nghỉ quan, kể cả lúc đương chức Tể tướng, để nhường đường cho kẻ hiền tài, hết lòng đề bạt người khác thay mình. Ông tâu vua rằng: “Bậc hiền tài đều đang tại vị, đâu có thiếu người” và mình ở lại, chỉ làm “vướng chân kẻ hiền tài”,

Trên đây là những ghi chép của Phó đô ngự sử Trần Tiến (1709 – 1770), cho ta hình dung một thời đại, với những nhiễu nhương của buổi suy tàn. Trong sự tiếp nhận của ngày hôm nay, chúng ta nhận ra khát vọng hòa bình, ổn định và phát triển của người xưa, mà hiện nay chúng ta đang thực hiện có hiệu quả. Thông qua hành tích của một con người với những hạn chế lịch sử nhất định cách ta non 300 năm, gạn đục khơi trong, chúng ta vẫn tiếp nhận được những giá trị tích cực, để xây dựng chuẩn mực đạo đức mới, vì một xã hội nhân ái, công bằng và tốt đẹp hơn

Mặc dù đây là tác phẩm bó hẹp trong một dòng họ xa xưa nhưng những vấn đề mà nó đặt ra vẫn giữ nguyên giá trị đến hiện giờ: vấn đề tự thân lập nghiệp, ứng xử xã hội, đạo đức con người...

Xem thêm : Diendankienthuc.net

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Câu chuyện tình yêu giữa người với yêu ma trong “Truyền kì mạn lục” – Nguyễn Dữ

Phân tích nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn “Tướng về hưu” – Nguyễn Huy Thiệp

Trình bày suy nghĩ của em về câu: “Có ba thứ ngu dốt: không biết điều phải biết, biết bậy điều đáng biết, và biết điều không nên biết”.