1. Nêu một số cách phân loại thể loại văn học? Chỉ ra ưu điểm và hạn chế của các cách phân chia đó?

Trả lời:

Phân loại thể văn học là kết quả của giai đoạn văn học phát triển đến trình độ tương đối cao, là biểu hiện quan niệm văn học một cách tự giác, cũng là sản phẩm của việc rất coi trọng thể loại văn học. Ngay trong thời kì đầu của sự phát triển văn học, nhân loại đã quan tâm đến nghiên cứu, phân loại thể, loại văn học. Nhưng phải chờ đến khi văn học thực sự trưởng thành, phát triển đến một trình độ nhất định thì nhận thức về văn học mới thực sự sâu sắc. Một mặt, người ta muốn tiến hành phân loại thể loại của những tác phẩm văn học cụ thể, từ đó khái quát thành thể loại của một loạt tác phẩm văn học; Mặt khác tiến hành nghiên cứu sâu hơn, xếp một tác phẩm văn học cụ thể vào một thể loại văn học tương ứng. Nhờ đó mà việc phân tích, nắm bắt tác phẩm văn học sẽ được tốt hơn. Lí luận văn học xưa nay đã có nhiều cách phân chia loại thể văn học khác nhau như:

Chia làm 2 loại

Sự phân loại văn học ở Trung Quốc xuất hiện khá sớm. Lúc đầu họ chia làm 2 loại: thơ và văn xuôi (vận văn và tản văn). Lưu Hiệp đã phân thể loại thành “văn” và “bút”. Ông viết: “thông thường người ta nói, có văn có bút, nếu không có vần là bút, có vần là văn”(Chu Chấn Phủ Văn tâm điêu long, chú thích, tổng thuật, Nxb Văn học nhân dân, tr 469)

 Ưu – nhược điểm: Cách phân loại này căn cứ trên ngôn ngữ thể loại, phủ định sự bắt vần của thể loại, tuy tạo ra được sự thống nhất chặt chẽ, nhưng lại không phản ánh được các loại văn học trên phương diện đặc trưng đề tài, phương thức thể nghiệm tình cảm và phương thức cấu tứ cũng như đặc điểm của thủ pháp biểu hiện, cho nên trên thực tế, cách phân loại này đã sớm không có tác dụng. Đúng như Warren và Wellek trong cuốn Lí luận văn học đã nói: “Đại bộ phận lí luận văn học hiện đại đều có khuynh hướng loại bỏ cách phân loại thành thơ và văn xuôi”(Lí luận văn học, Tam liên thư quán xuất bản, 1984, tr. 258).

Sau này, Tào Phi chia văn học làm 4 loại: Tấu- nghị, Thư luận, Minh lỗi, Thơ phú. Sau Tào Phi, Lục Cơ, Chấp Ngu, Tiêu Thống cũng có nêu lên những cách phân loại khác nhau. tuy nhiên cách phân loại của những tác giả này quá chi li, vụn vặt nhưng vẫn không thoát khỏi những cách phân loại đã có từ đầu.

Cách chia làm 3 loại đã sớm xuất hiện ở phương Tây

Ngay từ thế kỉ thứ 4 trước công nguyên, Aristote trong Nghệ thuật thơ ca đã dựa vào nguyên tắc phản ánh phân chia văn học thành 3 loại. Ông cho rằng nghệ thuật là sự "mô phỏng", "bắt chước" thực tại. Tương ứng với 3 hình thức mô phỏng đó là 3 loại văn học: loại tác phẩm tự sự, loại tác phẩm trữ tình và loại kịch. Cách phân loại này của Aristote nhìn chung được nhiều nhà mĩ học, trong đó có Secnưxepxki, Ðôbrôliubôp tán thành.

Horace, Boileau đồng ý với quan điểm phân loại của Aristote nhưng đồng thời nhấn mạnh đến giá trị cao thấp của từng loại thể. Theo họ, loại "thơ chủ yếu" gồm bi kịch, hài kịch và anh hùng ca, còn thơ trữ tình chỉ là "thơ thứ yếu".

Aristtote đã căn cứ vào Phương thức phản ánh để chia văn học thành ba loại: Loại tự sự; Loại trữ tình và Loại kịch. Sau này Hêghen căn cứ vào đối tượng phản ánh của văn học cũng chia văn học thành ba loại như Aristtote nhưng lại dựa vào đối tượng mô tả. Theo ông, loại tự sự mô tả sự kiện, loại trữ tình thể hiện những trạng thái tâm hồn còn kịch thì miêu tả hành động. Biêlinxki tán thành ý kiến của Hégel đồng thời nói rõ thêm: tác phẩm tự sự chủ yếu mô tả sự tiếp xúc, va chạm giữa con người và xã hội, tác phẩm trữ tình chủ yếu bộc lộ cảm xúc cá nhân, kịch chủ yếu miêu tả sự xung đột, mâu thuẫn giữa các tính cách. Biêlinxki cũng đã nêu lên ý kiến cho rằng trong thực tế văn học, nhiều khi các loại trên thâm nhập, chuyển hóa, kết hợp với nhau chứ không tách biệt một cách tuyệt đối. Các nhà lý luận sau này cũng không có cách chia nào khác hơn.

Ưu điểm của cách chia 3 như trên là đã dựa vào các quy luật xây dựng hình tượng, phương thức phản ánh đời sống mà phân chia, tiêu chuẩn phân loại tương đối nhất quán, khái quát được các loại cơ bản của sáng tác văn học “đích thực”.

Nhược điểm: Chưa bao quát hết các hiện tượng văn học nghệ thuật, nhất là nhiều loại kí, tạp văn, tiểu phẩm. Mặt khác, cách chia ba chú ý đến nhiều đến các phương thức nội tại mà ít quan tâm hình thức văn học của tác phẩm, chẳng hạn như sự phân biệt thơ ca và văn xuôi. Theo cách “chia ba”, nhiều loại văn xuôi không được đặt vào loại trữ tình vì có nhiều yếu tố cốt truyện, nhiều loại kí quy vào loại tự sự cũng không thật thích hợp, vì cốt truyện ít phát triển mà chất trữ tình lại cao.

Cách chia làm 4 loại

Trong thời kì cận và hiện đại, Trung Quốc thừa nhận cách phân chia văn học thành 4 loại: thơ ca, văn xuôi, tiểu thuyết và kịch. Theo cách phân loại này, văn xuôi bao gồm tất cả các loại ngoài thơ ca, tiểu thuyết và kịch. Tiểu thuyết, thực ra phải thuộc loại văn xuôi nhưng do tầm vóc cũng như dung lượng hiện thực nên được xếp vào một loại riêng còn kịch thì thống nhất với tiêu chí phân loại phương tây.

Ưu điểm: Cách chia bốn này đã bù lấp được khuyết điểm của cách chia ba, khẳng định được vị trí của văn xuôi, nhấn mạnh vai trò của tiểu thuyết – “loại sử thi của thời hiện đại”. Thơ văn xuôi có thể vừa liệt vào thơ vừa liệt vào văn xuôi; ngụ ngôn vừa có thể được liệt vào văn xuôi vừa liệt vào tiểu thuyết; anh hùng ca vừa liệt vào loại thơ vừa liệt vào tiểu thuyết.

 Nhược điểm: Thiếu logic khi đặt tiểu thuyết ngang hàng với các “loại” văn học khác, rõ ràng cả ngụ ngôn và anh hùng ca không thích hợp với quan niệm về tiểu thuyết, nghĩa là trên thực tế đã biến tiểu thuyết thành khái niệm chỉ loại tự sự rồi. Loại văn xuôi (tản văn) quá rộng bao gồm các loại văn có sự kiện, cốt truyện như kí sự, phóng sự với loại văn nghị luận, tiểu phẩm.

Hà Minh Đức trong cuốn giáo trình Lí luận văn học tập 2 (nxb Giáo dục, 1999) chủ yếu dựa theo phân loại của phương tây nhưng trình bày thành 4 loại chủ yếu: Thơ, tiểu thuyết, kí và kịch. Các thể tạp văn, văn chính luận nghệ thuật đều được xếp vào loại kí.

Cách chia này có ưu điểm là đã dựa vào các quy luật của hình tượng và phương thức phản ánh hiện thực mà phân chia, tiêu chuẩn khá nhất quán.

Khuyết điểm: Không bao quát hết mọi hiện tượng sinh động của đời sống văn học. Thiếu logic khi đặt tiểu thuyết ngang hàng với “loại” văn học khác.

Có người chia làm 5 loại: tự sự, trữ tình, kịch, kí, trào phúng. Trong lí luận văn học tập 2, Trần Ðình Sử , nxb Giáo dục, H, 1997 lần đầu tiên đề xuất phân chia thành: tự sự, trữ tình, kịch, kí và chính luận. Ba loại đầu nhà những hình thức văn chương thẩm mĩ đích thực thì 2 loại sau xuất hiện ở chỗ giao nhau giữa nhu cầu nghệ thuật và nhu cầu thực tiễn, giữa nhu cầu nhận thức sự thật khách quan và nhu cầu mĩ cảm.

ð Kết hợp được truyền thống phân loại phương Tây với đặc điểm của văn học dân tộc cổ xưa và hiện đại, khắc phục được nhược điểm của cách chia bốn.

ð Khuyết điểm: Phân chia chưa thực sự hợp lí vì kí có đặc điểm của loại tự sự và có hình thức văn xuôi nên vẫn có thể xếp kí vào loại tự sự.

Các sự phân loại trên đều có tính chất tương đối. Bởi vì, thực tế văn học vốn đa dạng, phong phú, khó có một sự khái quát nào đầy đủ và trùng khít với thực tế được.

Từ những điểm trên, theo ý kiến riêng của nhóm phân chia thể loại văn học thành ba loại: Tự sự, trữ tình, kich. Vì tiêu chí phân loại tương đối thống nhất đó là dựa vào đặc trưng cơ bản của văn học tức là quy luật xây dựng hình tượng và phương thức phản ánh đời sống. Trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng thể loại văn học vào trong sáng tác, giảng dạy, phê bình...chúng ta có thể linh hoạt trong việc xếp từng tác phẩm văn học vào thể loại cụ thể để tránh nhược điểm của cách chia ba.



Câu 2: Ý nghĩa thể loại văn học ( đối với sáng tác, phê bình và thưởng thức, giảng dạy)?

Trả lời:

Nghiên cứu quy luật và đặc điểm của các thể loại văn học, đối với tiếp nhận văn học, phê bình văn học, sáng tạo văn học đều có ý nghĩa rất quan trọng.

Đối với tiếp nhận văn học, chỉ có nắm được đặc điểm của thể loại văn học mới có thể yêu cầu tác phẩm những vấn đề liên quan đến thể loại, và mới có thể nghiên cứu được phong cách, đặc điểm của nhà văn trong việc xử lí đề tài, cấu thành hình tượng, bố cục kết cấu, vận dụng ngôn ngữ, biểu hiện nghệ thuật…, và mới kiểm nghiệm được cái hay cái dở trên những phương diện đó, từ đó làm cho việc cảm thụ văn học được sâu sắc hơn. Lỗ Tấn đã từng chỉ ra: “Phân loại tác phẩm văn học rất có ích đối với tìm hiểu văn chương”(Lỗ Tấn toàn tập, quyển 6, Nxb Văn học nhân dân, 1981, tr 3). Nắm được thể loại văn học thì có thể dựa vào quy phạm hình thức thẩm mĩ của nó để tìm hiểu sâu sắc tác phẩm, và tránh được tình trạng lấy quy phạm hình thức thẩm mĩ của thể loại này để yêu cầu thể loại khác, giống như không thể dùng vị ngọt để yêu cầu muối, đem dưa chua để yêu cầu đường.

Đối với phê bình văn học, chỉ khi nắm được đặc điểm thể loại văn học thì tiến hành phê bình mới có đủ cơ sở, và chỉ khi dựa vào quy phạm hình thức thẩm mĩ nhất định của thể loại văn học thì mới có thể thẩm định, kiểm nghiệm được mức độ tiến bộ, đột phá hoặc mâu thuẫn, hoặc phù hợp với những quy phạm hình thức thẩm mĩ của thể loại, từ đó mới thấy được những cách tân nghệ thuật, hình thức nghệ thuật, nội dung tư tưởng của tác phẩm cụ thể.

Đối với sáng tác văn học, chỉ nắm vững được hình thái ổn định và quy phạm hình thức thẩm mĩ của thể loại thì khi tiến hành sáng tác, nhà văn mới có thể tự mình dựa vào những yêu cầu của thể loại để lựa chọn tài liệu, cấu tứ và biểu đạt, khiến cho bản thân việc lựa chọn tài liệu, cấu tứ nghệ thuật, biểu đạt nghệ thuật thấm vào những thể loại văn học tương ứng. Lỗ Tấn tự nói về hoạt động sáng tác của mình: “Có một cảm xúc nhỏ thì sẽ viết được một số đoạn văn ngắn, nói quá lên một chút thì đó là thơ văn xuôi… Có được tài liệu tương đối gọn gàng thì còn có thể viết được một truyện ngắn”(Lỗ Tân toàn tập, quyển 4, Nxb Văn học nhân dân, 1981, tr456). Chính vì Lỗ Tấn đã nắm vững đặc điểm của thể loại truyện ngắn, thơ văn xuôi, hoặc tác phẩm tự sự, trữ tình nên ông mới có đủ khả năng sáng tạo ra những tác phẩm phù hợp với yêu của của các thể loại đó.

Đối với việc giảng dạy tác phẩm văn chương theo loại thể:

Người dạy bị chi phối bởi “thể” nhiều hơn “tính chất của loại trong thể”

Trong thực tế giảng dạy, nhiều khi giáo viên chỉ quan tâm đến “thể” mà không quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng mức đến “tính chất của loại”

Ví dụ, khi dạy sử thi Đăm-săn (đoạn trích Chiến thắng Mơtao Mơxây), một số giáo viên chỉ chú ý phân tích nhân vật Đăm-săn, Mơtao Mơxây. Nhưng, sử thi là “thể loại tự sự đặc biệt, nó không dung nạp văn xuôi của đời sống, nó chỉ mang chất thơ, chất lí tưởng… mà nội dung là những chiêm nghiệm sâu sắc nhất về thế giới” (Biêlinxki). Sử thi Đăm-săn rất giàu tình trữ tình và tính chất kịch. Do vậy, chúng ta cần chú ý văn phong trữ tình và tập trung khai thác những đoạn giàu kịch tính trong quá trình phân tích tác phẩm.

Hoặc khi dạy bài Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), nhiều giáo viên khai thác “chuyện tình” giữa Hàn Mặc Tử và Hoàng Thị Kim Cúc, biến bài thơ thành bài minh họa cho một “chuyện tình”. Chúng ta biết, đó là một bài thơ trữ tình. Do đó, điều quan trọng là phải chú ý phân tích cảm xúc, tâm trạng, cảm hứng của nhân vật trữ tình, chú ý khai thác hình ảnh, vần, nhịp điệu… trong tác phẩm. “Chuyện tình” giữa tác giả và Hoàng Thị Kim Cúc chỉ là một yếu tố để ta hiểu thêm về tác phẩm chứ không phải là căn cứ để phân tích tác phẩm.
 
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do giáo viên chưa xác định loại thể của tác phẩm hoặc chưa chú ý đến đặc điểm của loại thể của tác phẩm. Việc không xác định loại thể của tác phẩm cũng như chưa chú ý đến đặc điểm của loại thể của tác phẩm khi phân tích tác phẩm văn chương cũng giống như việc không xác định giới tính hoặc chưa chú ý đến đặc điểm giới tính khi phân tích, nhận xét, đánh giá một con người. Tình trạng này khiến cho việc phân tích, nhận xét, đánh giá mang tính rập khuôn, võ đoán.

Việc xác định loại thể là vấn đề mấu chốt trong dạy học tác phẩm văn chương

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Câu chuyện tình yêu giữa người với yêu ma trong “Truyền kì mạn lục” – Nguyễn Dữ

Phân tích nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn “Tướng về hưu” – Nguyễn Huy Thiệp

Trình bày suy nghĩ của em về câu: “Có ba thứ ngu dốt: không biết điều phải biết, biết bậy điều đáng biết, và biết điều không nên biết”.