Hiện tượng “cuồng” thần tượng ở giới trẻ Việt Nam hiện nay



Hiện tượng “cuồng” thần tượng ở giới trẻ Việt Nam hiện nay

Khi thần tượng một ai đó thì chuyện quan tâm mọi thứ về họ là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Lứa tuổi teen có thần tượng hoàn toàn là điều tốt, nó không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần, giải trí mà còn phù hợp với lối sống hiện nay. Ai cũng có sở thích về âm nhạc, phim ảnh, thích ca sĩ hay diễn viên nào đó , nghe đi nghe lại bài hát hoặc xem đi xem lại bộ phim …không ai lên án điều đó cả. Thế nhưng một bộ phận giới trẻ hiện nay lại đam mê đến mê muội, mù quáng . Họ tôn thần tượng thành các bậc thiên tài , các bậc thần thánh, đặt thần tượng lên trên tất cả: trên cả vấn đề học tập, sức khỏe bản thân, trên cha mẹ, gia đình… Một fan cuồng nữ đã tuyên bố:“Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju (nhóm nhạc gồm 13 thành viên của Hàn Quốc đang được hâm mộ nhất hiện nay) biểu diễn. Thật vui vì ông bà già cuối cùng cũng biết điều và để mình đi…” Câu nói gây sốc này đã nói lên mức độ mù quáng của fan cuồng đồng thời lên hồi chuông báo động đối với toàn xã hội.

1. “Cuồng” hay mù quáng?

Hiện nay trước làn sóng giao lưu văn hóa rộng rãi , giới trẻ có cơ hội tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau, chủ yếu qua kênh âm nhạc và phim ảnh. Trào lưu hâm mộ thần tượng cũng từ đó mà lan ra, nhất là với thần tượng Hàn Quốc mà chúng ta hay biết đến với cái tên Kpop. Một số nhóm nhạc Hàn Quốc sang biểu diễn tại Việt Nam đã thu hút một lượng lớn fan hâm mộ tham gia, trong đó có cả những fan cuồng. Những bạn trẻ không chỉ dừng lại ở hành động chuẩn bị kĩ càng băng rôn, khẩu hiệu, ra sân bay từ sớm để chờ đón thần tượng, họ còn gào thét, khóc lóc khi nhìn thấy thần tượng, xô đẩy, bao vây thần tượng cốt sao chạm được vào… vạt áo của thần tượng. Họ bộc lộ những tình cảm quá khích như la ó, cấu véo thần tượng, ngất xỉu. Fan sẵn sàng hi sinh luôn liêm sỉ và văn hóa của bản thân để thể hiện tình yêu với thần tượng. Hàng loạt các bạn nữ đã hôn chiếc ghế mà ca sĩ Bi Rain ngồi là hiện tượng khiến nhiều người cảm thấy kinh hoàng. Những biểu hiện bệnh hoạn, quá khích, lệch lạc ấy khiến chính các ngôi sao, “vị thánh” của họ phải hãi hùng: từ việc nhặt bất kì món đồ nào của thần tượng vứt ra, rồi trộm đồ về để giữ như trân bảo; đeo bám theo thần tượng mọi lúc mọi nơi; lao ra đường chặn xe để được nhìn thần tượng trong chốc lát; Tệ hại hơn, nam ca sĩ điển trai nhóm JYJ, Park Yoo Chun đã bị fan cuồng tát thẳng vào mặt. Có vẻ đây là cách gây ấn tượng của một fan nữ, nhưng thực tế kết quả nhận được chỉ là sự khiếp vía của thần tượng mà thôi. Fan cuồng còn nghĩ ra lắm chiêu nhiều trò khác để tiếp cận thần tượng, như trường hợp của Taecyeon ( nhóm 2PM), một fan đã gửi cho anh chàng gói băng vệ sinh đã qua sử dụng kèm theo lời nhắn: “Ok Taecyeon, anh không thể sống mà thiếu em đâu”…. Để có một chiếc vé xem thần tượng biểu diễn, giá vé không hề rẻ, từ 1,5 – 4 triệu Việt Nam đồng/ vé, các fan teen đã làm mọi cách từ việc gây áp lực với cha mẹ, vay mượn đến việc sẵn sàng bán dâm để có tiền mua vé.






Ảnh: Dù trời nắng nhưng các fan vẫn kiên trì đợi gặp thần tượng



Ảnh: Fan BigBang ngất xỉu




Ảnh: fan gào khóc khi thấy thần tượng của mình



Fan Đuổi theo xe của thần tượng

Thật bất hạnh cho một gia đình nào có những người con mà vì thần tượng họ sẵn sàng “giết bố mẹ”. Họ hồn nhiên phát biểu nhanh chóng, không mảy may suy nghĩ:“Cha mẹ tốt là cha mẹ hiểu con cái mình, biết con cái mình thích gì, muốn gì và đáp ứng tốt những nhu cầu của con cái. Rõ ràng việc hâm mộ Suju là một sở thích lành mạnh, cớ sao bố mẹ lại ngăn cấm con mình đi xem Suju biểu diễn? Khi cha mẹ không có giá trị gì nữa, thậm chí trở thành vật ngáng đường con cái đến với tình yêu đích thực của đời mình(13 oppa) ~> chỉ còn cách là tiêu diệt”. “Gia đình là phù du, Suju là tất cả" (Đây là những lời của một bạn trẻ có nick Binhminhden trên một diễn đàn trẻ). Tôi nghĩ, phải đem các bạn trẻ này đi tẩy não mới mong cứu vớt lại được. Họ quá mê muội, không còn ý thức về hành vi điên rồ của mình nữa. Những lời nói, hành động của họ khiến các bậc phụ huynh phải choáng váng, xã hội phải kinh ngạc vì không thể tin mức độ lệch lạc trong hiểu biết, bệnh hoạn trong nhận thức lại ở một học sinh sống trong môi trường sống đầy đủ, được đào tạo trong nền giác dục tốt như vậy.






Ảnh: phát ngôn shock của  fan cuồng Kpop

Trước thực trạng này, bộ Giáo dục trong kì thi tuyển sinh Đại học 2012 đã ra đề thi khối D câu 3 điểm như sau: "Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là thảm họa". Ngay lập tức các fan cuồng KPop vô cùng hung hãn, đã xỉa xói đề thi của Bộ Giáo dục, cho rằng đề thi "đá đểu", "xoáy vào Kpop". Chưa hết, fan cuồng này còn dọa "chém chết" một thí sinh khác hào hứng chê bai thần tượng của mình là nhóm nhạc Suju (Super Junior). Một nam thí sinh khác viết: "Đại học không thi năm nay thì năm sau, trượt thì thôi, nhưng tình yêu của mình dành cho Suju nó gọi là mãi mãi, vĩnh viễn không thay đổi. Em yêu các anh, sẽ mãi mãi". Các em không phân biệt được giới hạn của “ngưỡng mộ” và “mê muội”, chỉ cần quan tâm đến việc thần tượng của các bạn bị đụng chạm. Phải chăng đã bị nói trúng tim đen của mình nên các bạn mới phản ứng như vậy? Các bạn sẵn sàng mất ăn mất ngủ vì thần tượng nhưng lại thờ ơ, vô cảm với đấng sinh thành của mình. Không biết những thần tượng đó đang ở nơi nào, có nuôi các em lớn hay không? Có giúp các em lấy được 3 điểm thi Đại học hay không? Nhưng chắc chắn các em đã tự làm tương lai mình mờ mịt đi khi thi rớt đại học chỉ vì những người lạ chưa bao giờ gặp mặt.







(ý kiến trái chiều của giới trẻ về đề thi của Bộ giáo dục)

2. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “cuồng”

Trước hết là do tâm lý lứa tuổi, đây là lứa tuổi sôi động muốn thể hiện mình và muốn tạo nên sự khác biệt. Quá trình từ hâm mộ trở thành cuồng tín trải qua theo thời gian. Những động cơ của các hành động này có nguyên tắc khá giống các chất gây nghiện. Ban đầu, giới trẻ tìm kiếm bản thân, xây dựng hình ảnh của mình dựa trên hình mẫu của thần tượng, từ cách ăn mặc, lời nói... cho đến cử chỉ, lối sống. Dần dần họ đánh mất bản thân để có thể đồng hóa với thần tượng. Ví dụ như họ tưởng tượng thần tượng yêu mình hay sự sống của thần tượng phụ thuộc vào mình. Thậm chí, có những bạn còn đưa ra chân lý sống: "Nếu người thân của tôi và thần tượng cùng ngã xuống sông, tôi sẽ cứu thần tượng của mình trước". Hoặc một bạn tuyên bố: "Nếu tôi may mắn được gặp thần tượng và người đó yêu cầu tôi làm việc phạm pháp tôi có thể cũng làm". Đó là những suy nghĩ vô cùng nguy hiểm, khiến giới trẻ rất dễ đánh mất mình. Hiện tượng "cuồng" thần tượng đặc biệt diễn ra ở lứa tuổi vị thành niên, khi nhân cách chưa phát triển hoàn chỉnh, rất dễ bị tác động của các nhân tố thân cận. Không thể phủ nhận giới trẻ đang có biểu hiện ngày càng xa rời hiện thực. Nhiều khi chúng quên mất hiện thực cuộc sống mà đeo đuổi một thế giới phi thực tế trên phim ảnh, truyền hình... Các nhà nghiên cứu gọi đây là hiện tượng tâm lý đám đông, có cơ chế lây lan và bắt chước. Chỉ cần một nhân tố trong đám đông "khởi sự" là cả tập thể sẽ hòa theo. Đây có thể coi là một hiện tượng vô thức.

Thứ hai, môi trường sống, môi trường giao tiếp, nhất là truyền thông mạng internet cũng có nhiều vấn đề tác động tiêu cực tới giới trẻ. Hiện nay, tồn tại một thực tế, mật độ các chương trình truyền hình có các "sao" Hàn Quốc xuất hiện ngày càng dày đặc. Mở ti vi ra mà thấy đâu đâu cũng phim Hàn, ca nhạc Hàn... Chính vì thế, giới trẻ rất dễ bị tiêm nhiễm. Thậm chí, cách ứng xử giữa người lớn với nhau cũng góp phần tạo nên khủng hoảng giá trị ở giới trẻ.

Thứ ba, do gia đình, cha mẹ bận rộn không quản lí con cái và có những lời khuyên răn, ngăn cản đúng lúc, đúng mực. Các em thiếu các sân chơi lành mạnh, bổ ích, lại được thoải mái tự do tiếp cận thông tin mà không có định hướng dẫn đến việc dễ tiếp thu những thông tin xấu, phát triển lệch lạc.

3. Hệ quả

Thần tượng không có lỗi, chỉ vì họ nổi tiếng quá tầm kiểm soát của một đám đông, của chính họ. Nhưng cũng có không ít người có trách nhiệm đã tìm cách hạn chế tối đa những hành động gây hấn điên cuồng hay những cơn mê muội của fan. Nhiều chuyện kinh hoàng của fan cuồng đã được ghi lại từ không ít những chuyến lưu diễn sang Việt Nam của các ca sĩ Hàn Quốc. Chính những “thần tượng” bị đặt nhầm chỗ cũng phải hốt hoảng, thậm chí là khiếp đảm trước cảnh mình được đón tiếp ở sân bay: Đó là cả một đám đông phát cuồng, chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp, hò hét, thậm chí kêu cứu... để chỉ để sờ... thần tượng Suju (Super Junior) một lần. Sau đó là cảnh đua nhau chạy theo xe như điên về tận khách sạn. Có cả cảnh... như trong phim, fan trèo lên chặn trước mũi ôtô, đập cửa kính, hay nhoài người ra xe ôtô rượt đuổi chỉ để giơ bảng tên thần tượng rồi hò hét điên cuồng. Các fan cuồng đã khiến hình ảnh những fan chân chính xấu lây, thậm chí cả cộng đồng fan Việt Nam xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế.

Việc cuồng thần tượng, mê muội thần tượng sẽ để lại nhiều hệ quả đối với không ít các bạn trẻ như việc học tập, rèn luyện giảm sút, làm thui chột đi cả thể chất lẫn tinh thần, làm cùn mòn chất xám... Nhiều bạn sẵn sàng làm những chuyện điên rồ như tự tử, dọa chết, cắt tay, bỏ nhà đi theo thần tượng hoặc bán thân để có tiền bám theo thần tượng. Thử hỏi nếu những việc đó mà không có sự ngăn chặn kịp thời thì sẽ gây ra hậu quả to lớn biết chừng nào?

4. Chúng ta cần làm gì?

Trước hết cần khẳng định đây là trách nhiệm không của riêng ai. Xã hội, gia đình và nhà trường luôn có phải có mối quan hệ chặt chẽ để quản lí những mầm non của đất nước không bị thoái hóa, bị hủy hoại. Và vai trò quan trọng nhất vẫn thuộc về gia đình – tế bào của xã hội.

Định hướng thần tượng có sự chuyển biến theo lứa tuổi, ở lứa tuổi nào cũng có thần tượng, chỉ có khác nhau ở cách biểu hiện ra bên ngoài. Ví dụ như những người đàn ông đích thực thì thần tượng bóng đá, những người thuộc thế hệ cha ông thì lại thích nghe nhạc Trịnh, hay nhạc tiền chiến... Riêng ở lứa tuổi teen, thì cách biểu hiện cuồng nhiệt hơn, do tính năng động và chưa có định hướng cụ thể trong cách nhìn thần tượng. Người lớn hơn một chút thì suy nghĩ về thần tượng lại khác đi, một phần cũng là do các mối quan hệ và vấn đề sự nghiệp chi phối. Hình ảnh thần tượng của họ lúc này lại là những người giàu có và thành đạt. Đây là hiện tượng tâm lí thường thấy và do vậy người lớn, các bậc phụ huynh thay vì ngăn cấm dẫn đến hành vi bất mãn, phá phách ở các em thì nên tiếp cận với sở thích của các em và định hướng rõ ràng cho các em biết việc hâm mộ là tốt chứ không nên “phát cuồng”. Nếu phê phán thì vô tình làm cho con cái hiểu rằng ba mẹ không hiểu gì cả và dần dần sẽ ít chia sẻ với ba mẹ, vô tình tạo nên một khoảng cách rất khó để gần gũi các em.

Tạo tấm gương sáng cho các em học tập và noi theo; giáo dục những gương người thực việc thực cho các em có mục tiêu , định hướng thực tế để học tập. Đây thiết nghĩ cũng là một cách hay để các em không bị “cuồng” vào những thứ không rõ ràng, những thứ hào nhoáng hấp dẫn bên ngoài. Thuốc chữa thì nhiều, nhưng áp dụng thế nào cho nhiều bạn trẻ là điều còn phải bàn dài dài, nhất là trong giáo dục lối sống, trang bị kiến thức bảo vệ mình trước những cơn ngông cuồng thời thượng tập thể. Nhưng ít ra, sự quan tâm của cả xã hội, của bậc phụ huynh, của ngay cả những người quản lý văn hóa, nhà tổ chức biểu diễn, truyền thông... cũng có thể làm được những bước hạn chế fan cuồng đầu tiên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Câu chuyện tình yêu giữa người với yêu ma trong “Truyền kì mạn lục” – Nguyễn Dữ

Phân tích nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn “Tướng về hưu” – Nguyễn Huy Thiệp

Trình bày suy nghĩ của em về câu: “Có ba thứ ngu dốt: không biết điều phải biết, biết bậy điều đáng biết, và biết điều không nên biết”.