Những mối quan hệ hệ thống của ngôn ngữ về việc phân tích ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm văn học trong giảng dạy Tiếng Việt và văn học



Những mối quan hệ hệ thống của ngôn ngữ về việc phân tích ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm văn học trong giảng dạy Tiếng Việt và văn học


- Bùi Minh Toán -


1, Ngôn ngữ là một hệ thống. Đó là một luận đề mang tính chân lí hiển nhiên . Có tổ chức thành một hệ thống thì ngôn ngữ mới thực hiện được chức năng là công cụ tư duy, là phương tiện giao tiếp, trong đó có giao tiếp vằng ngôn ngữ nghệ thuật thông qua tác phẩm văn học, chỉ là một trong những hình thức giao tiếp có phần độc đáo mà thôi.

Nằm trong một hệ thống, các yếu tố ngôn ngữ gắn bó chặt chẽ với nhau bằng những mối quan hệ nhất định. Những mối quan hệ này, một mặt, đảm bảo cho sự thống nhất các yếu tố ngôn ngữ thành một chỉnh thể cùng thực hiện chức năng chung trong tư duy và giao tiếp , mặt khác, chúng xác định vai trò và giá trị của các yếu tố trong hệ thống.

Hệ thống ngôn ngữ có thể tồn tại ở hai trạng thái : trạng thái tĩnh, tiềm tại, được tàng trữ trong tiềm thức ngôn ngữ của con người, và trạng thái động, hoạt động hành chính, hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ mà sản phẩm của hoạt động này chính là văn bản, trong đó bao gồm cả văn bản của tác phẩm nghệ thuật. Chính vì thế, nói đến các mối quan hệ của các yếu tố ngôn ngữ , về mặt này, có thể thấy có 3 loại quan hệ: quan hệ giữa các yếu tố trong hệ thống ở trạng thái chưa hành chức, quan hệ giữa các yếu tố trong trạng thái hành chức (trong văn bản), và quan hệ giữa các yếu tố khi hệ thống ở trạng thái hành chức với chính các yếu tố ấy khi hệ thống ở trạng thái chưa hành chức. Đối với việc phân tích các yếu tố ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn học, chính là cần phải chú ý đến 3 mối quan hệ hệ thống này, đặc biệt là 2 mối quan hệ sau. Bài này muốn hướng tới sự phân tích các yếu tố ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn học xuất phát từ các mối quan hệ hệ thống.

2. Mối quan hệ giữa các yếu tố trong hệ thống ngôn ngữ chi phối việc sử dụng các yếu tố này trong tác phẩm nghệ thuật và làm nên gái trị của chúng. Tất nhiên các yếu tố này trong hệ thống ngôn ngữ không phải có mức độ quan hệ giống nhau. Một số các yếu tố có quan hệ gần gũi, chặt chẽ với nhau hơn. Chúng tạo nên các nhóm, các hệ thống nhỏ trong lòng hệ thống ngôn ngữ. Trong các hệ thống nhỏ này, mối quan hệ giữa các yếu tố (cũng như mối quan hệ giữa các yếu tố trong toàn bộ hệ thống ngôn ngữ) dựa trên các thuộc tính đồng nhất và khác biệt. Việc lwajc họn các yếu tố để sử dụng trong giao tiếp nói chung và trong tác phẩm văn học nói riêng chính là dựa trên các mối quan hệ đồng nhất và khác biệt này. Chính vì thế việc phân tích các yếu tố ngôn ngữ trong tác phẩm nghệ thuật cũng phải dựa trên các mối quan hệ đồng nhất và khác biệt giữa các yếu tố trong một hệ thống nhỏ, một nhóm nhỏ.

Hãy áp dụng váo các từ trong một tác phẩm nghệ thuật. Ở dây ít ra ta có 2 vấn đề.

Một là, trong số các từ ngữ của ngôn ngữ, hay hẹp hơn, của một hệ thống nhỏ( của một nhóm từ), từ nào được chọn để sử dụng trong hoạt động giao tiếp, trong văn bản? Từ được chọn có nét gì là đồng nhất và khác biệt so với những từ cùng nhóm, cùng hệ thống?

Hai là, từ được sử dụng trong hoạt động giao tiếp có mối quan hệ đồng nhất và khác biệt như thế nào so với chính nó trong hệ thống ngôn ngữ ở trạng thái chưa hành chức?

Vấn đề thứ nhất đặc biệt rõ ràng khi nói đến nhóm từ đồng nghĩa hay gần nghĩa. Mỗi nhóm từ này là một hệ thống nhỏ, mà mỗi từ trong đó có những thuộc tính đồng nhất và khác biệt so với các từ khác cùng nhóm. Khi sáng tác người nghệ sĩ phải trải qua quá trình lựa chọn và sử dụng một trong số các từ đó, trong quá trình cảm thụ và phân tích tác phẩm, người đọc và thầy giáo cũng cần phải phân tích từ đó trong mối quan hệ với những từ khác trong nhóm để làm nổi bật nét đồng nhất và khác biệt của chúng , đồng thời xác định giá trị nghệ thuật của chính cái từ được sử dụng trong văn bản. Trong câu thơ của Phạm Tiến Duật “cái gạt nước xua đi nỗi nhớ” , từ “xua” vừa có nét đồng nhất, vừa có nét khác biệt với các từ “xóa, gạt, quét”. Tất cả chúng đều chỉ hoạt động bằng tay của con người (có thể nhờ 1 phương tiện nào đấy) để làm mất đi sự tồn tại, hiện diện ở 1 địa điểm nào đó của 1 đối tượng nào đó (thường là những đối tượng nhỏ nhẹ như bụi bặm, vết bẩn, rác rưởi). Song từ “xua” khác các từ còn lại ở chỗ nó biểu hiện hoạt động mà sau khi thực hiện một lần thì đối tượng khác các từ còn lại ở chỗ nó biểu hiện hoạt động mà sau khi thực hiện một làn thì đối tượng lại có thể trở lại và do đó hoạt động thường phải tiến hành liên tiếp nhiều lần (VD: xua muỗi). Điều này rất phù hợp để vừa miêu tả hoạt động của cái gạt nước với những giọt nước mưa liên tiếp xuất hiện trên mặt kính ô tô, vừa để diễn tả cái nỗi nhớ cứ trăn trở, lúc ẩn lúc hiện trong tâm trí anh chàng lái xe.

Phân tích từ trong tác phẩm nghệ thuật cần phải đặt trong hệ thống nhỏ của chúng là vì thế. Điều này đã được nhiều người chú ý đến , nên ở đây không cần dừng lại nhiều hơn thế nữa, song cần nhấn mạnh nguyên tắc hệ thống để chỉ ra sự đồng nhất và đặc biệt là sự khác biệt đã tạo nên giá trị nghệ thuật của từ.

Vấn đề thứ 2, liên quan đến mối quan hệ giữa một từ trong văn bản chính từ đó trong hệ thống ngôn ngữ, nhất là giữa các ý nghĩa của một từ. Các ý nghĩa tring nội bộ một từ cũng hợp thành một hệ thống, Giữa các ý nghĩa của một từ luôn luôn có mối liên hệ với nhau (nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa gốc và nghĩa phái sinh, nghĩa trong ngôn ngữ và nghĩa trong giao tiếp, trong văn bản). Khi phân tích ý nghĩa và cách dùng từ trong văn bản cần phải đặt từ đó trong hệ thống các ý nghĩa của nó để tìm ra các mối liên hệ và xác định giá trị của từ. Trong các văn bản nghệ thuật, từ có thể được dùng một cách sáng tạo, có ý nghĩa rất độc đáo, những ý nghĩa và cách dùng đó luôn đặt trên cơ sở mỗi quan hệ hệ thống với cá ý nghĩa vốn có, trong ngôn ngữ của từ. Hãy lấy một ví dụ: trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng
Nách tường bông liễu bay sang láng giềng

Tại sao “nách tường” ? Từ dùng thật khác lạ. Song nếu đặt nó trong mối quan hệ với nghĩa gốc của từ trong hệ thống ngôn ngữ ở trạng thái chưa hành chức thì sẽ thấy sự độc đáo đó vẫn có một cơ sở nhất định. “Nách” vốn chỉ một vị trí trên thân thể con người, nơi giao nhau giữa cánh tay và thân mình tạo nên một góc. Từ đó, theo phép ẩn dụ, nó được dùng để chỉ góc tường, nơi cũng có sự giao nhau giữa 2 bức tường, nơi cũng có sự giao nhau giữa 2 bức tường.

Lại một ví dụ khác, trong bài thơ “Cấy”, nhà thơ Hoàng Trung Thông viết:

Nâng từng dảnh mạ lên
Ngửa bàn tay cấy (1) xuống 
Cả nỗi hận tình thương
Cùng cấy(2) sâu vào ruộng

Ở đoạn thơ này có 2 lần dùng từ cấy. Đặt chúng trong mối quan hệ với ý nghĩa trong hệ thống ngôn ngữ thì sẽ thấy: từ cấy 1 được dùng với ý nghĩa vốn có của nó: Hoạt động bằng tay của con người cắm cấy giống xuống đất nhằm làm cho nó sinh sống và phát triển để mạng lại hoa trái cho con người. Còn từ cấy 2 được dùng một cách sáng tại, nên có ý nghĩa mới, song vẫn đặt trên cơ sở trên ý nghĩa vốn có của nó (duy trì một số nét nghĩa): khắc sâu “nỗi hận tình thương” để rồi chúng dẫn đến những lợi ích trong cuộc sống.

Như thế là khi phân tích ý nghĩa và cách dùng từ trong văn bản nói chung và văn bản nghệ thuật nói riêng, luôn cần đặt trong mối quan hệ với hệ thống ý nghĩa của nó. Có như thế sự phân tích mới có cơ sở và mới đánh giá được đúng sự kế thừa và sáng tạo của người sử dụng khi sản sinh ra văn bản.

3. Trên đây mới chỉ đề cập đến 2 mối quan hệ: quan hệ giữa các yếu tố trong hệ thống ngôn ngữ ở trạng thái chưa hành chức và quan hệ giữa một yếu tố được sử dụng trong văn bản với chính nó trong hệ thống chưa hành chức. Còn quan hệ giữa các yếu tố cùng được sử dụng , cùng hiện diện trong một văn bản thì sao? Mỗi một văn bản, đặc biệt là văn bản nghệ thuật, tự bản thân mình là một chỉnh thể có tính hệ thống, trong đó các yếu tố gắn bó qua lại với nhau để cùng thực hiện nhiệm vụ chung. Tất cả các yếu rố với các mối quan hệ như thế làm cho văn bản trở thành 1 văn bản hòa tấu, có tổng hợp lực mạnh mẽ, tác động đến người tiếp nhận văn bản.

Chúng ta bắt đầu bằng mối quan hệ giữa 2 yếu tố cùng hiện diện trong văn bản. Trong bài “Buổi chiều Vàm Cỏ”, sau khi miêu tả cảnh máy bay Mĩ dội bom xuống 1 vùng quê, Nguyễn Đình Thi viết:

Buổi chiều ứa máu
Ngổn ngang những vũng bom

Ta chú ý đến từ vũng. Tại sao ở đây lại dùng từ vũng mà không phải từ hố? Cả 2 đều có thể gọi tên phần lõm xuống của mặt đất do tác động của một lực cơ học nào đó. Hơn nữa ở từ hố, so vs từ vũng, còn có nét nghĩa về độ sâu? Điều này có thể thích hợp hơn để tố cáo 1 tội ác của kẻ thù. Thế nhưng trong văn bản lại dùng từ vũng. Ấy là vì trong kết cấu ý nghĩa của từ vũng có 1 nét nghĩa thường trực “có nước”, nét nghĩa này không thường trực không nhất thiết phải có trong từ hố. Chính nét nghĩa có nước này đã tạo nên sự cộng hưởng giữa từ vũng vs từ máu trong câu đi trước, sự cộng hưởng đó dẫn đến một hình tượng liên tưởng có sức tố cáo mạnh mẽ: Những cũng bom do bom đạn Mĩ đã trút xuống làng quê ta chính là những vũng máu! Như thế từ vũng và từ máu hiện diện trong 2 câu thơ trên nằm trong một chỉnh thể thống nhất, hô ứng với nhau.

Sự cộng hưởng trong 1 hệ thống thống nhất không phảo chỉ có ở 2 yếu tố, 2 từ mà có thể nói là ở nhiều yếu tố, ở tất cả các yếu tố trong 1 văn bản. Trở lại với truyện Kiều của Nguyễn Du và lấy đoạn thơ miêu tả cảnh chị em Thúy Kiều ra về sau hội đạp thanh làm ví dụ (Tà tà …nửa xanh, từ câu 51 đến câu 58). Trong tám câu thơ này, điều trước tiên có thể chú ý đến là tác giả đã sử dụng tới 7 từ láy, hơn nữa trừ thơ thẩn, thì 6 từ láy còn lại đều là láy toàn phần (tà tà, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ, sè sè, rầu rầu). Điều gì đã dẫn đến sự sử dụng đặc biệt như vậy? Câu trả lời chỉ có thể có được khi chúng ta xem xét tất cả các đoạn thơ đó như 1 chỉnh thể mang tính hệ thống . Các từ láy toàn phần đều có chung 1 nét nghĩa là nét nghĩa mức độ: chúng biểu hiện một mức độ cao hơn hoặc thấp hpn, giảm nhẹ hơn của đặc điểm, tính chất so với tiếng gốc. Sáu từ láy dùng trong đoạn này đều biểu hiện mức độ thấp, giảm nhẹ (so sánh nho nhỏ với nhỏ). Chính cái mức độ thấp trong ý nghĩa của hàng loạt các từ ngữ khác nhằm miêu tả một quang cảnh đã lắng dần, đã vãn dần, vào lúc tan hội (chứ không phải là khai hội hay đang hội): thời gian thì vào lúc bóng ngả, các vật trong cảnh cũng chỉ là vật nhỏ bé: từ dòng tiểu khê đến nhịp cầu đến nấm đất , đã thế vị trí của chúng, hình dáng của chúng, màu sắc của chúng cũng có phần nhạt nhòa, mờ ảo, chỉ có bề thanh thanh, dòng suối nhỏ, lại còn uốn khúc quanh co, nhịp cầu thì bắc mãi nơi cuối ghềnh, ngọn cỏ cũng chỉ nửa vàng , nửa xanh ; còn con người thì cùng với những cử chỉ, dáng vẻ rất mức độ, chừng mực, có phần bâng khuâng, mỏi mệt sau ngày hội : thơ thẩn dang tay ra về, bước dần, lần xem. Tất cả các từ ngữ này họp lại nhằm vẽ lên một bức tranh nhạt nhòa, không còn vẻ đậm đặc nữa, khác hẳn với bức tranh trong đoạn trước đó, đoạn miêu tả lễ Tảo mộ và Đạp thanh ở vào thời điểm khai hội và cao trào của nó (từ câu 41 đến câu 50).

Ở vào thời điểm đó, con người và cảnh vật đều thật là náo nức, náo nhiệt và sống động: chẳng những màu sắc và hình dáng rất rõ nét và đậm đặc (cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa), mà đặc biệt là hoạt động thật là sôi nổi và huyên náo. Không khí sôi động ấy được đặc tả bằng hàng loạt các từ láy , mà tất cả đề là từ láy bộ phận (lặp lại phụ âm đầu) có giá trị tượng hình và tượng thanh cao: nô nức, sắm sửa, dập dìu, ngổn ngang và bằng việc sử dụng trong 2 câu thơ cuối đoạn các động từ chỉ các hoạt động nhanh , mạnh: kéo, lên, rắc, bay…Hơn nữa bức tranh lễ hội này là 1 bức tranh toàn cảnh với 1 không gian rộng lớn, có sự tham dự của biết bao trai thanh gái lịch. Để vẽ lên bức tranh như vậy, tác giả còn huy động hàng loạt cá từ ghép hợp nghĩa (6 từ) là những từ có ý nghĩa chỉ gộp, bao quát: gần xa, yến nah, chị em, ngựa xe, áo quần, gò đống….và cũng cùng mục đích ấy là 4 lần trong đoạn này sử dụng các kết cấu song hành, lặp cú pháp với nhịp điệu dàn trải rộng mở (Lẽ là tảo mộ, hội là đạp thanh/ tài tử giai nhân/ ngữ xe như nước áo quần như nêm/ thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay)

Rõ ràng trước mắt chúng ta là 2 bức tranh khác nhau: bức tranh lễ hội rộng lớn cực điểm , còn bức tranh tan hội thì mức độ giảm nhẹ, nhạt nhòa. Mỗi bức tranh đó là 1 hệ thống riêng, mỗi một trong số chúng là sự tập hợp các yếu tố(các từ ngữ riêng) của chúng để phục vụ cho một mục đích nhất định. Cũng cần nói thêm rằng bức tranh thứ 2, bức tranh tan hội ra về , với mức độ nhạt nhòa và có phần mờ ảo của nó chẳng những rất thích hợp để diễn tả không khí về chiều, cuối chầu của một ngày lễ mà còn chuẩn bị rất hợp lí cho 1 sự kiện mới sắp xảy ra: sự xuất hiện của bóng ma Đạm Tiên, một hình tượng kì ảo, hư hư thực thực trong câu chuyện. Như thế, mỗi bức tranh trên đây, hay nói cách khác, mỗi đoạn thơ trên đây, đều là một hệ thống nội tại nhưng chúng vẫn luôn gắn bó và thống nhất với hệ thống chung của toàn bộ tác phẩm nghệ thuật với tư cách một chỉnh thể.

Các ví dụ trên đây thiên về việc phân tích từ ngữ, tức các yếu tố ngôn ngữ thuộc bình diện từ vựng – ngữ nghĩa. Song, tạo nên tính thống nhất của tác phẩm văn học còn có sự đóng góp đồng thời của các yếu tố thuộc bình diện ngữ pháp và ngữ âm. Ở ví dụ cuối cùng trên đây, ta thấy một tổng lực được tạo ra nhờ sự phối hợp giữa các yếu tố từ vựng (các từ ghép) với các yếu tố ngữ pháp ( các kết cấu song hành lặp cú pháp). Bây giờ chúng ta sẽ phân tích một ví dụ trong đó có sự tương tức giữa các yếu tố từ vựng với các yếu tố ngữ âm trong một chỉnh thể thống nhất. Để vẽ lên hình tượng “Đoàn thuyền đánh cá” nhà thơ Huy Cận viết:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng

Hình tượng con thuyền ở đây thật là kì vĩ và đẹp đẽ. Nó vừa dấy lên trong kí ức của chúng ta những con thuyền lộng lẫy cưỡi sóng đi xa đến với những hòn đảo thần tiên trong các truyện cổ tích thần kì, vừa làm sống lại các chiến tích lịch sử của cha ông thuở xưa trên sông nước, những chiếc thuyền tua tủa gươm giáo trong các chiến trận hào hùng vây bắt hoặc rượt đuổi quân thù. Hình tượng kì vĩ đó là một chỉnh thể nghệ thuật. Nó được tạo nên bởi sự huy động hàng loạt các từ ngữ tên gọi đối tượng lớn lao trong vũ trụ, thiên nhiên: gió, trăng, mây, biển, cùng với những tính từ miêu tả những đặc điểm và mức độ lớn lao (cao, xa) của những đối tượng ấy; đồng thời miêu tả các hoạt động mạnh mẽ, hào hùng của những nhân vật khổng lồ: lươys, đậu, dò, dàn đan, vây giăng. Tất cả những từ ngữ đó hợp lại vẽ lên hình tượng con thuyền ngang tầm với cá lực lượng diêu nhiên trong vũ trụ. Song còn cần phải thấy rằng: góp sức vào việc miêu tả hình tượng sống động của con thuyền còn có cả âm điệu của thơ: sự phối hợp âm bằng trắc trong các dòng thơ và vị trí của các từ ngữ. Có thể thấy rằng trong cả 4 câu thơ, các tiếng mang thanh bằng và trắc xen kẽ và chuyển đổi cho nhau một cách đều đặn tạo nên âm hưởng của những làn sóng biển nhấp nhô theo hình sin mà con thuyền đang rẽ sóng ra khơi:

Câu 1:  B B / T T / B B
C2       T T / B B / T T / B
C3       B B / T T / B B / T
C4       B B / T T T / B B

Cộng thêm vào đó là sự sắp đặt các từ ngữ đặc biệt là các động từ (lướt, đậu, dò, dàn đan, vây giăng) ở các vị trí thích hợp, tạo nên một âm hưởng mạnh mẽ.

4. Để kết luận, cần nhấn mạnh một lần nữa rằng bản thân ngôn ngữ là một hệ thống, cả trong trạng thái chưa hành chức, và cả trong trạng thái hành chức, nghĩa là trong giao tiếp, trong văn bản. Vì thế, việc phân tích ngôn ngữ nghệ thuật trong một tác phẩm nghệ thuật có được đặt trong các mối quan hệ hệ thống cyar các yếu tố ngôn ngữ thuộc tất cả các bình diện khác nhau (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp), mặt khác không phải chỉ những mối quan hệ giữa các yếu tố không hiện diện trong văn bản nhưng gắn bó với nhau như là các yếu tố của mộ hệ thống.

Tạp chí Ngôn ngữ số 3 - 1989
Mọi sao chép tài liệu sang nơi khác cần ghi rõ nguồn và tác giả 
 post by Phong Cầm - diendankienthuc.net

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Câu chuyện tình yêu giữa người với yêu ma trong “Truyền kì mạn lục” – Nguyễn Dữ

Phân tích nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn “Tướng về hưu” – Nguyễn Huy Thiệp

Trình bày suy nghĩ của em về câu: “Có ba thứ ngu dốt: không biết điều phải biết, biết bậy điều đáng biết, và biết điều không nên biết”.