Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh

 

Chương 1. Nỗi buồn chiến tranh


1.1 Sự thật chiến tranh ngoài chiến trường khốc liệt qua những mảnh ghép số phận trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”.
Dù đã trở về song những người anh hùng, những người lính trong vai trò người chiến thắng lại chẳng hề cảm thấy vui vẻ. Chiến tranh đã mãi nằm trong tâm trí họ, đã thiêu đốt cả cuộc đời họ, mãi mãi họ không còn trở về cuộc sống bình thường như trước được nữa. Trong “Nỗi buồn chiến tranh”, nhân vật cụ thể là Kiên, từ hiện thực đi lần tìm hài cốt đồng chí đồng đội mình quay trở ngược lại với những kí ức đau thương, với những hiểm nguy, chết chóc, vui cũng có nhưng tất cả chúng đều rạch vào tâm hồn Kiên, đồng đội Kiên giống như những vết khắc sâu trên đá in đậm trong tâm trí họ như một nỗi ám ảnh không bao giờ phai nhòa. Kiên là một trong những người may mắn được sống trở về, may mắn lành lặn nhưng đó có thực sự là một may mắn?


1.1.1 Điều kiện sống, chiến đấu khắc nghiệt nơi chiến trường.
Đời lính phải trải qua bao nhiêu nỗi vất vả, gian truân mà trước hết đó là điều kiện sinh tồn, điều kiện chiến đấu khốc liệt.

Lần tìm về kí ức, điều đầu tiên Kiên nhớ đến chính là “mùa khô đầu tiên sau chiến tranh đến với miền hậu cứ Cánh Bắc của Mặt trận B3 êm ả nhưng muộn màng”. Có lẽ yếu tố ngoại cảnh dễ dàng tác động vào tâm trí người ta nhất: “Tháng Chín và tháng Mười, rồi tháng Mười Một nữa đã trôi qua, vậy mà trên dọc dòng sông Ya Crong Pôcô

Lần nước mùa mưa xanh ngát vẫn tràn ắp đôi bờ. Thời tiết bấp bênh, ngày nắng. Đêm mưa. Mưa nhỏ thôi. Nhưng mưa. Mưa…núi non nhạt nhòa, những nẻo xa mờ mịt. Cây rừng ướt át. Cảnh rừng lặng lẽ. Tối ngày đất trời ngun ngút bốc hơi. Biển hơi màu lục, ngụt mùi lá mục. Và, cho tới tận những ngày đầu tháng Chạp tất thảy những ngả đường trong rừng vẫn còn đang lầy lội khốn khổ, hư nát, bị hòa bình bỏ hoang, hầu như không thể qua lại được, dần dần lụt chìm xuống, mất dấu tích giữa rừng cây rừng cỏ tốt um tùm”, “hành trình trong điều kiện thời tiết như thế, đường sá như thế vất vả không tả được”.

Rồi cái đói, bệnh tật luôn thường trực như kẻ thù thứ hai sẵn sàng làm tiêu hao sinh lực, lấy mạng người lính: “ Khẩu phần lương thực đang sụt xuống nhanh như thể nước trong bình bị đập vỡ đáy. Khổ sở vì đói, vì sốt rét triền miên, thối hết cả máu, vì quần áo mục nát tả tơi và vì những lở loét cùng người như phong hủi, cả trung đội chẳng còn ai trông ra hồn thằng trinh sát”. Còn đâu hình ảnh những người anh hùng nông dân áo vải “Áo anh rách vai- Quần tôi có vài mảnh vá- Nụ cừi buốt giá- Chân không giày- Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.

Cái đói khiến người ta phải liều. Thịnh “con” liều lĩnh xông vào một ngôi làng hủi bỏ hoang để bắt và mang về một con vượn rất to, thế nhưng khi cạo sạch lông thì hiện ra nguyên hình một người đàn bà béo xệ, da sủi lở.

Trước thực tại đói khổ, bệnh tật, cái chết rình rập chực sẵn, người lính đã phải nhờ đến hồng ma, một loại tiền ma túy, nhờ khói nó người ta chế ra các loại ảo giác tùy sở thích “có thể nhờ khói hồng ma mà quên đi mọi nông nỗi đời lính, quên đói khổ, chết chóc, quên béng ngày mai”. Mỗi không gian tưởng tượng, mỗi giấc mơ đều bình dị, giản đơn nhưng nó chỉ có thể xuất hiện trong giấc mộng .

+ Kiên lại được thấy hà Nội của anh, Hồ Tây, chiều hạ, hàng phượng vĩ ven hồ, tiếng ve sàu ran lên…..Anh mơ thấy Phương đang cùng trên thuyền thoi với anh, tóc vờn trước gió, trẻ trung xinh đẹp, không một nét sầu thương”.

+ Cừ: Mơ đến “ngà trở về với những sum họp, đoàn tụ, dễ chịu”.

+ Vĩnh lại “rặt chỉ mơ về đàn bà…những cuộc làm tình tưởng tượng vô cùng tham lam, phức tạp rất ngóc ngách đầy kì thú”.

+ Tạo “voi” “lại đặc biệt hay mơ về sự ăn uống” và “những mâm cỗ ăm ắp các món ăn béo bở do tâm thần mộng mị của hắn bịa tạc nên”.

Có khó gì đâu với một con người được sống bên gia đình, đầm ấm cùng người thân, đôi chút khoảng tâm tình với người yêu, được ăn no. Vì chiến tranh họ đã bị cướp đi tất cả những gì bình yên nhất, giản đơn nhất của cuộc sống. Rừng già âm u, những tiếng hú, những bóng ma lảng vảng như một sự báo trước về số mệnh đen tối của con người trong chiến tranh.


1.1.2 Những mất mát chiến tranh để lại.

- Trước hết là những mất mát về con người.

Ngay ở những trang đầu, Bảo Ninh đã tái hiện một trận đánh kinh hoàng cuối mùa khô năm 69, “mùa khô cực kì khốn cùng của toàn cõi B3, tiểu đoàn 27 độc lập, cái tiểu đoàn bất hạnh mà anh là một trong mười người may mắn được sống”, “một trận đánh ghê rợ, độc ác, tàn bạo..”. “Các đại đội tan tác đang cố co cụm, lại bị đánh tan tác. Tất cả bị napan tróc khỏi công sự, hóa cuồng, không lính không quan gì nữa rùng rùng lao chạy trong lưới đạn dày đặc, chết dúi ngã dụi vào biển lửa. Trên đầu trực thăng rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào gáy từng người mà bắn. Máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét….” “Những ngày sau đó diều quạ rợp trời…bãi chiến trường biến thành đầm lầy, mặt nước màu nâu thẫm nổi váng đỏ lòm. Trên mặt nước lềnh bềnh xác người sấp ngửa, xác muông thú cháy thui, trương sình trôi lẫn với cành lá và những thân cây to nhỏ bị pháo băm…”. Và từ đó chẳng còn ai nhắc đến tiểu đoàn 27 nữa.

Cả một tiểu đoàn bị xóa sổ chỉ sau một trận chiến. Sự sống dường như mong manh lắm. Nếu như trong “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” “nay người này ngã xuống, mai người kia lại ngã xuống” thì trong “Nỗi buồn chiến tranh”, cái chết cũng đến bất ngờ như một điều không thể tránh khỏi và đã biết trước. Lần lượt lần lượt Kiên chứng kiến đồng đội mình gục ngã.

+ Đầu tiên là cái chết của Can: Cái chết không rõ nguyên do, chỉ biết khi tìm được Can thì đó chỉ còn là “cái xác lở loét, ốm o như xác nhái” “mặt của xác chết bị quạ rỉa, nhét đầy bùn và lá mục”.

+ Ba cô gái thủ kho, bị chiến tranh cầm tù, giam hãm tuổi xuân giữa rừng già, đương khi tìm được hạnh phúc ngắn ngủi với những viên trinh sát thì đã bị bọn viễn thám bắt, hiếp và giết chết.

+ Thịnh “con” hy sinh trong trận chiến, đạn trúng tim, không kịp kêu một tiếng kêu, ngã sấp.

+ Vân chết cháy cùng chiếc T54 đầu đàn, thân xác ra tro nên chẳng cần huyệt mộ. Thanh thì chết ở Cầu Bông, và cũng bị thiêu trong quan tài thép cùng với tổ lái. Từ cùng Kiên đánh đến cửa số 5 sân bay Tân Sơn Nhất rồi mới hy sinh.

+ Cô giao liên Hòa xinh tươi “gục ngã giữa trảng cỏ và đằng sau bọn Mỹ xông tới, vậy xúm lại, trần trùng trục, lông lá một bầy như những con đười ươi, thở phù phò, giằng giật, nặng nề hộc rống lên…”

+ Quảng ở mùa khô năm 66 trong chiến dịch Đông Sa Thầy, Quảng bị trúng một trái cối 106 nổ tung gần như dưới chân, nhấc Quảng lên, quăng bổng theo đường vòng cung rồi giáng quật xuống “bụng rachs ruột trào, xương xẩu dường như gãy hết, mạn sườn lõm vào, tay lủng liểng, và hai đùi tím ngắt”. Lần đầu tiên Kiên được hạ lệnh ra tay với chính đồng đội mình. Nhân đạo ở đây chính là được cho người ta chết một cách thanh thản không đau đớn. Cũng như Phán, một người lính mà Kiên gặp được, trinh sát trung đoàn 24, đã day dứt vì cái chết đớn đau của một tên lính ngụy: “thà rằng tôi giết phứt anh ta”, “là người không ai đáng chịu một nhục hình như tôi đã bắt anh ta phải chịu”. Cái chết đôi khi không đáng sợ bằng cái nhục hình, nỗi đau đớn xác thịt mà người ta phải gánh chịu.

+ Tùng: bị viên bi trúng đầu, người hoàn toàn lành lặn song đã trở nên điên khùng.

Rồi những số phận khác, những cái chết khác mà mỗi con người một số phận nghiệt ngã , kể cả là cái chết hay còn lành lạn trở về. Những cái chết bi thảm của : Voi “tạo”, Thanh, Can, Vân, Từ, Oanh….

- Hậu quả để lại trong mỗi con người: mất đi nhân hình lẫn nhân tính, trở nên vô cảm trước cái chết của đồng loại.

Chiến tranh chỉ là làm sao “không bị ngỏm trong mùa khô”. Chiến tranh chẳng khác nào một trận chiến sinh tồn mà nếu không ra tay thì ta sẽ là một cô hồn vất vưởng, xác thịt bị giòi, quạ rỉa dần. Chính vì vậy, việc cầm súng, giết người đã trở thành một bản năng, đã đánh cắp lương tâm con ngườ để sẵn sàng bắn chết, hành hạ đồng loại của mình. Những người lính hay chính là những công cụ, những cỗ máy giết người. Kiên điên cuồng nã súng, “lòng căm thù bóp méo nhân dạng”.

Sự tiếp xúc với xác chết thường xuyên đến mức Kiên đã ngủ ngay cạnh xác một cô gái ngon lành ở sân bay Tân Sơn Nhất. Đáng giận hơn đó là một người lính “lôi xác cô gái xuống bậc tam cấp. Tóc tai xõa tung, gáy và xác chết nảy bình bình như trái banh. Thằng chó má dã man kéo sền sệt cái xác khốn khổ qua mặt bê tông…hắn choãi chân, vặn lưng lấy đà, quăng mạnh, liệng bổng người ta lên”. Một hồi chuông “Hãy coi chừng mà xem lại nhân tính”. Chiến tranh có sức hủy hoại đáng sợ, những chàng thanh niên chân chất, những sinh viên, công nhân khoác trên vai màu áo lính, chiếc súng, ba lô…một là biến thành những linh hồn phiêu bạt, hai là còn sống trở về - nguyên vẹn hoặc thương tật, biến thành những con thú khát máu hay những kẻ khuyết tật về tâm hồn, không thể trở về bình thường được nữa.

1.1.3 Kỉ niệm đẹp của tình đồng chí, đồng đội, đồng bào trong chiến tranh trong cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”.

Người mẹ nuôi – mẹ Lành ở Đồi Mơ đã nuôi bao nhiêu lượt tân binh, coi họ cũng giống như con mình mà gọi mẹ - con. Những giây phút không phải chiến đấu, Kiên và đồng đội chơi bài, kể cho nhau nghe về những ngóc ngách Hà Nội để sau này một người ít đi lại như Kiên cũng thông hiểu tường tận từng ngõ phố Hà Nội. Những khi ham mê cờ bạc giải khuây “Tiền đặt cược là những tàu thuốc “đồng bào” hôi mù, cay cú hơn thì thuốc lào, đá lửa hoặc sợi hồng ma, hoặc lương khô, và ảnh nữa, bất kể giá Tây hay gái ta, xấu hay đẹp, người yêu hay người dưng, dùng tuốt, dốc hết ra mà sát phạt. Chẳng còn ăn thua gì nữa thì quệt muội đèn, chơi trò bôi râu. Người đánh kẻ chầu rìa, vui vẻ, om sòm nhiều hôm thâu đêm. Tuồng như là một thời kỳ sung sướng, bình yên, nhàn cư, vô tư lự lắm vậy”. Rồi thì “đi săn, đặt bẫy, tổ chức duốc cá”, có lẽ đó là quãng thời gian êm ả, đẹp đẽ hiếm hoi và cuối cùng trong cuộc đời những người lính đó. Tất cả lần lượt hi sinh, bỏ mạng lại nơi rừng hoang vu này. Kiên may mắn còn lành lặn trở về, vì may mắn hay vì có sự bao bọc của tình đồng đội:

Quảng – người tiểu đội trưởng đầu tiên của Kiên lúc Kiên còn là lính mới lần đầu dự trận. Kiên theo sát Quảng, được Quảng dẫn dắt, kèm cặp, thực chất là che chắn cho Kiên.

Cừ nổ súng bắn chặn cả một trung đội địch cho nhóm trinh sát của Kiên thoát thân.

Lý xả thân kìm chân địch hô Kiên và Thịnh chạy trốn.

Hay như cô giao liên Hòa, lúc dẫn đường gặp toán lính thăm dò, có cả chó săn. Thấy nguy hiểm cho đồng đội, cô đã đánh lạc hướng kẻ địch, bắn chết những con chó săn cho Kiên và đồng đội có thời gian chạy thoát.

Những tháng năm thân thiết bên tình đồng chí đồng đội đã trở thành nguồn sống cho Kiên, khi anh không thể hòa nhập vào cuộc sống mới, hội chứng sau chiến tranh, những cú sốc hậu chiến …chỉ còn cách sống trong quá khứ, với những bóng ma đồng đội. Cái giá phải trả cho những kỉ niệm ấy thật quá đắt.


1.2 Sự thật chiến tranh còn thể hiện ở hậu phương.


Nhắc đến hậu phương là nhắc đến động lực chiến thắng của chiến tranh, là nguồn sức mạnh cung cấp cả vật chất lẫn tiếp viện về tinh thần cho tiền chuyến yêu thương. Những người thầy dạy cho học trò sự dũng cảm, kêu gọi thanh niên “ba đảm đang, ba sẵn sàng”. Rồi những người mẹ mong ngóng tin con để rồi ngã quỵ khi nghe tin con tử trận. Vợ mong chồng, đứa trẻ mong cha trở về.

Gia đình cố Dụ xưa đông vui nhất giờ chỉ còn cố là người đàn ông duy nhất. Gia đình ông Huynh có ba con tử trận…

Không chỉ ngoài chiến trận mới thể hiện rõ sự tàn khốc của chiến tranh mà ở nơi hậu phương, chiến tranh cũng có tác động không nhỏ. Những nạn nhân của chiến tranh như Phương, em gái Vĩnh trở thành ca kĩ, gái điếm. Những đau đớn trong lòng kẻ ở lại: mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, gia đình li tán, âm dương cách biệt.

Không chỉ có những mất mát, mà còn có những nghịch lí, bất công. Đó là nạn đào ngũ đang phổ biến mà Can là một điển hình tiêu biểu. Không phải vì họ sợ chết, nhát gan mà vì muốn gặp người mẹ nghèo một lần dù chết cũng cam.

Hiện tượng hưởng lộc chiến tranh “chỉ con cái nông dân là phải dứt lòng ra đi bỏ lại đằng sau cảnh mẹ già màn trời chiếu đất”, “anh tôi đã đi, đáng lẽ tôi được miễn coi như con độc”.

Sự thật đến tàn nhẫn, khốc liệt. Đâu phải cuộc chiến tranh vì chính nghĩa toàn dân toàn quốc đồng chí đồng lòng vì một mục tiêu cao cả, cùng hướng về một lí tưởng như trong các bộ phim, những tác phẩm trước đó từng ca ngợi.

1.3 Người lính trở về với thời bình.

Hòa bình lập lại, những người đã từ bỏ tuổi trẻ, từ bỏ tình yêu, từ bỏ gia đình, trường học, bạn bè và cả những mềm yếu lương thiện ở lại cho hòa bình. Hòa bình “chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình, để chừa lại có chút xương. Mà những người được phân công nằm lại góc rừng le là những người đáng sống nhất”.

- Kiên: môt người lính trẻ đã đi theo tiếng gọi Tổ quốc, làm hết trách nhiệm của mình với đất nước nhưng khi trở về anh dường như không thể hòa nhập lại với cuộc sống mới, không còn ở chung một “kênh” với mọi người, giống như mình đang “mắc kẹt trên cõi đời này”. Những ám ảnh quá khứ, lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ mình đang nằm xuống và những người còn chịu khuyết tật mà chiến tranh đem lại. Anh trở thành một nhà văn “điên điên khùng khùng” quên đời trong men say, trong những trang viết đầy ma quái, không theo một logic, trật tự nào cả. Cái giúp anh còn sống trên cõi đời này chính là tình yêu vô vọng với Phương, sự ăn năn về cái chết của đồng đội buộc anh phải sống. Kiên sống cùng với những miền kí ức thời chiến tranh, với những tình cảm đồng đội thương mến và khát vọng tình yêu cháy bỏng.

- Những người bạn của Kiên trở về không còn lành lặn, mang bệnh tật hiểm nghèo trong người. Như Sinh, thương binh cột sống, bán thân bất toại. Trần Sinh bị thương trở về, bốn năm ròng bệnh tật trên chiếc giường. Cái chết không đến luôn mà đến một cách từ từ, thân xác hoại tử bốc ra mùi hôi thối. Nỗi đau đớn thể xác nhưng khổ nhất là thấy mình thành gánh nặng cho gia đình, nhìn thấy sự hắt hủi của người thân.

- Vượng: vốn tưởng mình sẽ làm nghề lái xe như trong khi chiến tranh anh vẫn lái. Nhưng trái lại, Vương quen lái xe vượt những ổ gà ổ voi mà lại say xe, nôn ọe khi đi trên những con đường bằng phẳngn “êm êm, mềm mềm, nhũn nhũn”. Họ đã quen với cuộc sống chiến tranh đủ để khó mà sống bình thường ở thực tại.

- Rôi những người lính tụ tập lại với nhau ở một quán cà phê thành câu lạc bộ chiến binh. Đời lính lăn lộn với tử thần vậy mà khi khải hoàn trở về “phần lớn chưa công ăn việc làm, chưa định hình cuộc sống mới, và như người ta nói, là còn chưa lại hồn”, họ tụ tập nhau lại kể cho nhau những kỉ niệm và mách cho nhau nơi có thể kiếm việc làm, “cách lo lót bọn nha lại để xin nhập tịch, xin trợ cấp thương tật, xin vào học lại ở trường đại học, xin trở về xí nghiệp cũ…”. Ông chủ quán cũng là lính giải ngũ, “mò đâu từ bên Lào về với cái mặt sốt rét cơn thâm xịt”…Rồi còn có cả người trở về phải đi ăn mày: “xin hãy để mắt quan tâm đến tình cảnh người khác một chút đồng chí ơi!”.

Người lính gần như mất đi khả năng hòa nhập với xã hội mới. Cuộc chiến hòa nhập dường như còn khó khăn, còn kinh khủng hơn là cuộc chiến tranh sinh tồn, đối mặt với kẻ thù ngoài chiến trường.

Bạn đọc có thể dễ dàng liên tưởng đến truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, một tướng chỉ huy lẫy lừng tiếng tăm, khi trở về lạc loài ngay giữa chốn gia đình, người thân của mình. Xã hội chỉ còn biết đến đồng tiền, sự vô cảm giữa con người với con người.

“Nỗi buồn chiến tranh trong lòng người lính có cái gì tựa như nỗi buồn của tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sâu lúc chiều buông trên bến sông bát ngát. Nghĩa là buồn, là nhớ, là niềm đau êm dịu….khi dừng mắt lại thì không còn là nỗi buồn nữa mà là sự xé đau trong lòng, và nhất là đừng có nhớ nhớ chạm tới những cái chết”.

1.4 Tình yêu trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”.

“Nỗi buồn chiến tranh” ban đầu xuất hiện với cái tên “Thân phận tình yêu”. Xuyên suốt tác phẩm là những mối tình nảy nở, đơm bông.

Mối tình “qua đường” của ba cô gái liên lạc trong rừng với các đội viên trinh sát nhưng đó mãi mãi là thứ tình yêu bất diệt để mỗi khi nhớ lại tiếng than khóc tuyệt vọng đớn đau chia lìa đôi lứa Kiên lại thấy ám ảnh.

Mối tình giữa chàng bộ đội với Lan ở đồi Mơ, mỗi tình đầu thầm lặng mà Lan đã dành cho Kiên khi lớp lớp thanh niên đi ra mặt trận ghé qua….

Đặc biệt và trọng tâm nhất là mỗi tình giữa Phương và Kiên – một mối tình trong sáng, mãnh liệt song đã bị đứt đoạn, tan vỡ bởi chiến tranh.

Kiên yêu Phương qua hai giai đoạn gắn với hai mốc cuộc đời anh là trước chiến tranh và sau chiến tranh. Tình yêu của họ trước chiến tranh trong sáng, mãnh liệt kệ mặc cho cả nước sục sôi vì chiến tranh, kệ mặc bom rơi đạn nổ, chỉ mong được bên nhau thêm một giay phút nào đó. Kiên đã hăng hái lên đường như bao nhiêu thanh niên trẻ khác, Phương cùng theo chân Kiên lên chuyến tàu ra chiến trường. Song chiến tranh khốc liệt đã đẩy Kiên – Phương rơi vào tình cảnh hiểu lầm, xa cách. Sau chiến tranh, Phương đã trở thành một ca kĩ, tình yêu của cô bị Kiên cự tuyệt và cô đã đi ban phát tình yêu cho những kẻ may mắn. Phương tự hủy diệt chính mình, hủy diệt để mà tồn tại. Hai kẻ vẫn luôn nghĩ về nhau song không bao giờ còn có thể quay lại như trước nữa. Họ đã mất khả năng yêu đương, khả năng hòa nhập. Tình yêu – chiến tranh, hai thứ vừa đối lập lại vừa tồn tại song song. Chiến tranh tượng trưng cho sự hủy diệt, cho tội ác, ngược lại tình yêu tượng trưng cho sự hồi sinh. Chiến tranh đã qua đi song tình yêu vẫn còn đó. Tình yêu là ngọn đường chỉ lối cho Kiên vượt qua những gian khổ của chiến tranh. Tiếng gọi của Phương vang vọng trong đầu đã kéo Kiên ở bên này bờ vực của cái thiện. Hình ảnh Phương đã theo anh suốt những năm chiến tranh. Bảo Ninh muốn nhấn mạnh đến vẻ đẹp của tình yêu đồng thời cũng tố cáo mạnh mẽ chiến tranh đã chia cách bao cuộc tình, đưa tình yêu của bao đôi bạn trẻ vốn đẹp đẽ song lại phải rơi vào vô vọng.



Chương 2. Đổi mới của tác giả trong “Nỗi buồn chiến tranh”.

2.1 Nội dung
Góc nhìn mới từ một đề tài đã cũ.

Chiến tranh là một đề tài lớn mang tầm vóc nhân loại. Nó có bề dày, bề dài trong tiến trình lịch sử văn học thế giới. Cùng ở một đề tài cũ nhưng góc nhìn về cuộc chiến tranh lại rất mới mẻ, Bảo Ninh viết về chiến tranh không với những bom đạn, mưu lược quân sự, những hào nhoáng chiến thắng, vinh quang của người lính khi chiến thắng trở về, với những phút giây cảm động rơi nước mắt khi gặp lại người thân, gặp lại quên hương, bạn bè yêu dấu của mình. Chiến tranh được nhìn nhận trung thực và khách quan từ góc độ cá nhân (trong cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” thì đó cụ thể là qua con mắt của Kiên). Chiến tranh tàn nhẫn và khốc liệt , tác giả không tung hô, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, ca ngợi chiến thắng vẻ vang của dân tộc, không ca ngợi phẩm chất người lính. Tác giả đưa ra những định nghĩa hết sức mới về chiến tranh, về hòa bình: “Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”. Dù bên ta hay bên địch, dù bằng phương thức với mục đích nào …thì về bản chất đều như nhau cả, đều là cái chết, sự phá hủy , diệt vong…Bảo Ninh không nhằm mục đích bênh vực, thiên lệch, tranh cãi bên nào phi nghĩa, bên nào chính nghĩa mà muốn tái hiện sức tàn phá ghê gớm của chiến tranh. Không chỉ những mất mát đau thương, những cái chết mà tàn bạo nhất là sự phá hủy ăn sâu bén rễ trong linh hồn người trở về.

Bảo Ninh đưa đến cho bạn đọc một cái nhìn chân thực, góp phần tái hiện toàn diện hơn cuộc chiến tranh Việt – Mỹ (cũng như tất cả các cuộc chiến tranh khác). Cách nhìn nhận về người lính cũng mới mẻ, gần gũi mà sống động. Họ không phải là những anh hùng, những người làm nên từ sắt từ đồng không biết mệt mỏi ngày đêm chiến đấu ngoan cường bảo vệ nhân dân. Người lính trong “Nỗi buồn chiến tranh” hiện lên đầy những chán nản, mệt mỏi với cuộc chiến. Họ cũng giống bao người khác cũng biết đói, khổ, mong muốn mãnh liệt trở về với quê hương, thậm chí thây kệ nhiệm vụ Tổ quốc giao cho đào ngũ về nhà. Người lính xuất hiện trong “Nỗi buồn chiến tranh” cũng biết yêu, cũng có những giây phút ủy mị, buông xuôi tất cả, cái chết dường như trở nên vô nghĩa, chiến tranh càng vô nghĩa. Họ cũng bài bạc, hồng ma. Đặc biệt yếu tố sex được đưa vào trong cuốn tiểu thuyết là điều hiếm hoi trong tiểu thuyết về chiến tranh. Tình dục được nhắc đến khá nhiều và đặc biệt với Kiên. Hình ảnh người lính xưa chân chất hiền lành bao nhiêu, nay đã được hiện lên chân thực với đúng bản chất vốn có của nó. Kiên không được miêu tả trong một cuộc tình duy nhất mà rất nhiều cuộc tình với những cuộc làm tình, thậm chí cả người tình tưởng tượng- hồn cô gái ở sân bay Tân Sơn Nhất rồi với chị Hạnh, Hiền, Phương, cô gái câm tầng trên... Tâm tư người lính đầy những trúc trắc, góc cạnh, hỗn độn đan xen. Tác giả đi theo những kí ức, những tâm tư của Kiên để tìm ra những sự thật về chiến tranh, sự thật trong tâm hồn anh, những hoài nghi, ám ảnh….

Hình ảnh người phụ nữ trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” xuất hiện tuy không nhiều, không phải là nhân vật chính, nổi bật lên trên tác phẩm song họ là một phần quan trọng không thể thiếu tạo nên sức sống cho tác phẩm. Nhờ có họ chiến tranh trở nên bớt u tối hơn. Họ là nguồn sống, ánh sáng cữu rỗi con người. Sức chịu đựng, hi sinh của họ thật đáng khâm phục. Người phụ nữ trong tác phẩm mới chính là những anh hùng thực sự cho dù kết cục của họ thường là bị giết hoặc bị hãm hiếp, sống và làm đẹp cho đời một cách thầm lặng.

“Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh là một khúc ca bi tráng, đau thương và tàn khốc về chiến tranh. Nỗi buồn ấy đã ám ảnh và day dứt nhiều thế hệ ở cả hai phía, từng hành trình đi qua cuộc chiến đẫm máu ấy. Nhưng vượt lên trên tất cả những mất mát, u ám và tuyệt vọng là tình yêu con người và tình yêu cuộc sống đã cứu rỗi phần còn lại của thế giới này. Và những trang văn của Bảo Ninh trong “Nỗi buồn chiến tranh” đã hướng đến những chân trời hy vọng ấy.

2.2 Nghệ thuật

2.2.1 Lối trần thuật phi tuyến tính.

Tác phẩm không đi theo trình tự kể thông thường mà các sự việc xuất hiện một cách lẫn lộn theo dòng hồi ức của Kiên. Những mảng kí ức lộn xộn, lắp ghép, đan xen, bấn loạn... Tất cả ùa về, ứ đầy, đông cứng, nghẹn tắc trong thế giới nội tâm nhân vật. Nhân vật dường như không tồn tại trong không thời gian thực, cuộc sống của Kiên đã dồn vào quá khứ, bị quá khứ chiến tranh níu giữ, bào mòn, gặm nhấm... Nó ám ảnh Kiên trong giấc mơ, trong những trang viết, trong sự bấn loạn của trực giác, vô thức của những cơn thần kinh kích động. Trong tâm thức của Kiên luôn ứ đầy những địa danh thảm khốc của cuộc chiến: đó là Truông gọi hồn, Đồi xáo thịt, là những nghĩa địa dày đặc với những bóng ma, những tiếng cười, tiếng hú ghê rợn, man rợ... Quá khứ trong quá khứ, hiện tại của quá khứ, tương lai cũng gắn liền với quá khứ, truyện lồng trong truyện, những câu chuyện khó hiểu ở đầu truyện thì cho đến tận cuối tác phẩm người đọc mới tường mọi sự việc. Dòng hồi tưởng của Kiên xuyên suốt cả tác phẩm, người đọc được tiếp xúc với tâm hồn một con người đầy phức tạp, dầy mâu thuẫn, dầy dằn vặt, suy tưởng. Chính sự sắp xếp các sự kiện, tình tiết không theo trật tự theo thời gian mà theo dòng hồi tưởng của nhân vật mà sự thật chiến tranh hiện lên qua tác phẩm càng chân thực hơn, chân thực đến đau đớn.

Với kỹ thuật đồng hiện thời gian, gắn với thủ pháp gián ghép điện ảnh: đan xen những mảng màu tối sáng, những cơn mê sảng, thức tỉnh của nhân vật, tác giả đã đưa người đọc vào những màn sương mù, những cơn thác loạn của ký ức chiến tranh. Chọn kiểu nhân vật “bệnh lý” và đặt nhân vật vào những “mê trận” ký ức đó, Bảo Ninh đã soi chiếu nhân vật từ nhiều góc độ, nhiều phương diện khác nhau: Đó là con người vô thức và hữu thức, tâm hồn và thể xác, bản năng và tâm linh... Giá trị nhân bản của tác phẩm chính là cái nhìn chân thực, đa chiều. Một con người đã chứng kiến tận mắt cuộc chiến tranh, trải nghiệm những đau thương vô hạn của những mất mát mới có thể viết lên những điều chân thực đến vậy. Phải chăng, cảm xúc, suy nghĩ, những chiêm nghiệm về chiến tranh của Kiên cũng chính là của Bảo Ninh, một nhân chứng sống đã trải qua những năm tháng chiến đấu khốc liệt ấy.

2.2.2 Yếu tố phi thực


Trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, yếu tố siêu thực xuất hiện khá dày, chúng đan xen với những chi tiết thực tạo nên sự ám ảnh về số phận con người trong cuốn tiểu thuyết.

+ Đầu tiên là vận may sống sót đáng kinh ngạc của Kiên. Trong hội tam tam ngày ấy, duy chỉ anh là người sống sót trở về. Một sự phi lý đến kinh ngạc hay một sự sắp đặt của vận số buộc anh phải sống, phải trải nghiệm, phải chiến đấu để kể lại tất cả trong cuốn tiểu thuyết dở dang, chắp ghép rời rạc đến khó hiểu của anh.

+ Những hồn ma đang kêu gọi ngày đêm tạo nên những tiếng rùng rợn , “người ta trông thấy nhiều quái vật lông lá có cả cánh lẫn vú với cái đuôi kỳ nhông kéo lết và họ ngửi thấy mùi tanh từ chúng, nghe thấy chúng gào rú và ca hát trong các hang động tối om…”. Hương hồn người chết hóa thành âm thanh không phải những hình bóng, người chết đàn và hát. Trong tấm tăng bó xác xương cốt đã hóa mùn cả, rieengc ây đàn ghita tự tạo cua người chết vẫn nguyên vẹn. Khi vốc xương mủn và cây đàn vừa được đưa lên từ đáy huyệt thi tất cả những ai có mặt đều nghe thấy vang lên trong lòng rừng những âm điệu bi tráng của bài ca ấy. Sau đó thì vĩnh viễn tắt bặt.

+ Xác người chết còn nguyên nằm trong một cái túi nilong dày, trong suốt, người chiến sĩ như là vẫn còn đang thở, mắt nhắm lại ngủ say, khuôn mặt đẹp đẽ trẻ trung trang nghiêm trầm mặc, da thịt tuồng như còn ấm…nhưng chỉ phút chốc cái túi đã đục trắng, mù mịt như đầy khói , rồi sau đó như chói lên một đạo hào quang và một cái gì đấy vô hình siêu thoát. Màu trắng đục tan nhanh, cái túi xẹp xuống và trong đó bày ra trọn vẹn bộ hài cốt màu vàng xạm.

Tất cả những yếu tố phi thực cộng với đó là hệ thống ngôn ngữ đặc tả tiếng hú, nhấn mạnh điểm li kì của tình huống tạo nên cho tác phẩm một nét độc đáo riêng. Người lính hiện lên vừa lãng mạn, bi tráng lại vừa bí ẩn , không thể lí giải nổi. Nó khiến cho người đọc liến tưởng ra chiến tranh như là những con quỷ dữ còn


Người thực hiện :Trần Thúy- Phong Cầm
Diendankienthuc.net

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Câu chuyện tình yêu giữa người với yêu ma trong “Truyền kì mạn lục” – Nguyễn Dữ

Phân tích nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn “Tướng về hưu” – Nguyễn Huy Thiệp

Trình bày suy nghĩ của em về câu: “Có ba thứ ngu dốt: không biết điều phải biết, biết bậy điều đáng biết, và biết điều không nên biết”.