Quê hương trong tôi là ...

Ai chẳng có 1 quê hương và tôi cũng thế . Trong “Con tàu” , Chế Lan Viên có viết:
“ Khí ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”
Quả đúng vậy, khi còn học cấp 3, học đến câu thơ này tôi không hiểu ý nghĩa của nó. Nhưng bây giờ, tôi mới thấm thía được triết lí sâu xa của nó. Lúc còn là học sinh PTTH, tôi thường mộng mơ thoát khỏi nơi đây để tự do bay nhảy đến những vùng đất mới . Khát khao của tuổi trẻ luôn thôi thúc tôi đến chốn phồn hoa lập nghiệp. Lúc đó, tôi thấy quê thật nghèo nàn, lạc hậu quá. Rời quê tôi không có gì lưu luyến. Rồi tôi cũng đỗ đại học theo ý muốn của mình và gia đình. Tôi lên Hà Nội để học tập . Hà Nội – 1 nơi ồn ào, náo nhiệt , đông đúc với đủ mọi lớp người , đủ các trò chơi. Tôi thấy hứng khởi trước 1 chân trời mới . Thành phố này là nơi hứa hẹn một tương lai tốt đẹp dành cho 1 sinh viên tỉnh lẻ lên như tôi. Và rồi cuộc sống nơi thành thị khiến tôi thay đổi nhiều : Tôi ‘văn minh” hơn, ăn mặc đúng kiểu …dân phố nhưng đồng thời toi sống vội hơn. Tôi tất bật với bao nhiêu là kế hoạch: đi học, đi làm thêm, ….cứ như vậy tôi thấy mình bỗng thật cô đơn, lạc lõng giữa chốn phồn hoa . Tôi chợt dừng lại, đi dưới những hàng xà cừ trong công viên , dưới cơn gió mát mùa hạ bỗng khiến tôi nhớ quên hương ghê gớm.
Quê hương trong tôi là….ngàn ánh sao sáng đua tranh lấp lánh với lũ đom đóm đang lập lòe trong đêm, lúc ẩn lúc hiện. Mỗi hôm trời mất điện là cả làng lại mang ghế ra trước ngõ hóng gió trời, nhân tiện lại nói chuyện vọng sang nhà nhau, cũng có khi quây lại nói chuyện làng xóm, chuyện mùa vụ năm nay…
Quê hương trong tôi là những cánh đồng lúa- cả 1 biển sóng chuyển động trước mắt tôi mỗi khi có đợt gió thổi qua. Hè về, lúa chín, cũng là lúc bọn trẻ chúng tôi nghỉ hè, cứ phải ở nhà trông thóc lúa , phơi rơm rạ. Bọn tôi chỉ lừa lúc bố mẹ ngủ trưa là tranh thủ chạy đi tụ tập với nhau để rồi ỉu xìu khi nghe tiếng phụ huyện “triệu tập” về .
Quê hương tôi với những con ngõ nhỏ , dài , bình lặng trong những hàng cau che bóng 2 bên đường . Con đường quen thuộc đã gắn bó cùng tôi, đi học, đi chơi, đi rong ruổi bắt chim , câu cá những trưa hè. Con đường mà bọn tôi đã đạp xe đi học qua , thở hổn hển mới qua nổi vì lớp rơm rạ dày phơi trên đường mùa lúa.
Quê hương ai là chùm khế ngọt còn trong tôi lại là chùm khế …chua. Quả khế chua nấu canh cá, làm gia vị cho món chạo chỉ quê tôi mới có – món mà tôi khoái nhất. Vị chua chua của khế, thơm thơm của vừng , cay cay của xả ớt…hòa quyện vào thịt và bì nướng giòn…nói đến lại thấy thèm, thấy nhớ, Hà Nội đâu có món này được….chỉ có quê tôi mà thôi…
Quê tôi là những con đê mướt xanh cỏ, hoa dại, nơi mà chúng tôi thường hay thả diều, để rồi dính dầy quả cỏ may vào gấu quần. Bên bãi bồi bên kia, chúng tôi thường câu cáy, bắt còng còng ở đó, nắng gắt cháy da, nhưng vui vì được bữa canh cua ngon tuyệt.
Quê hương tôi còn là ông bà, cha mẹ, những người thân yêu của tôi… mỗi lần xa lại nhớ, mỗi lần bão lại thương. Tôi đã nhận ra tôi đã yêu quê hương mình đến mức nào . Tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái ộp ộp ngoài đồng, hương lúc nồng nàn, nụ cười vang của lũ trẻ trong xóm….đã vô tình in đậm trong trái tim tôi tự bao giờ . Khi đi xa mới biết , nơi đó đã trở thành máu thịt, thành mảnh hồn trong tôi. Nơi phồn hoa đô hội này, nghiệt ngã , ồn ào quá, nhiều khi là chiến đấu mà sống, đâu có những lúc thảnh thơi câu cá như ở nhà, đâu có tiếng mẹ gọi ăn cơm….
Quê hương vẫn là số một trong cho dù ai nói nó nghèo nàn, buồn tẻ. Hãy luôn biết trân trọng những gì ta đang có.






phong cầm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Câu chuyện tình yêu giữa người với yêu ma trong “Truyền kì mạn lục” – Nguyễn Dữ

Phân tích nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn “Tướng về hưu” – Nguyễn Huy Thiệp

Trình bày suy nghĩ của em về câu: “Có ba thứ ngu dốt: không biết điều phải biết, biết bậy điều đáng biết, và biết điều không nên biết”.